Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2018, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 15 văn bản cảnh báo 15 tổ chức tín dụng khi tăng nóng tín dụng ở một số lĩnh vực không khuyến khích.
Dữ liệu do NHNN cung cấp cho thấy: Năm 2017, tín dụng tăng 18,17%, sát với chỉ tiêu định hướng 18% đề ra từ đầu năm. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ diễn biến tích cực.
Năm 2017, tín dụng tăng 18,17%, sát với chỉ tiêu định hướng 18% đề ra từ đầu năm (ảnh minh họa). |
Đến cuối tháng 11/2017, tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 22,13%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 22,1%. Tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã được kiểm soát với tốc độ tăng chậm lại.
Tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản tăng 8,56%, chiếm tỷ trọng 6,53% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, thấp hơn so với mức tăng 12,86% và tỷ trọng 7,71% cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Đặc biệt, các chương trình tín dụng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ tiếp tục được triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Đáng chú ý là tín dụng tăng ngay từ đầu năm, đã hỗ trợ tích cực trong việc cung ứng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Ngoài ra, việc điều hành linh hoạt của NHNN đã tạo thuận lợi cho việc phát hành thành công trái phiếu Chính phủ với khối lượng lớn, kỳ hạn dài, lãi suất giảm mạnh từ 0,57-1,89%/năm, qua đó hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nợ công, giảm chi phí trả lãi cho ngân sách Nhà nước.
Mặc dù việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 đã đạt được những thành công, nhưng theo đánh giá của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, vẫn còn có những vấn đề cần hết sức lưu ý trong điều hành để có thể đạt được kết quả mang tính bền vững trong năm tới và những năm tiếp theo.
Trong đó, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức khá cao, khoảng 130%, trong đó dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng cao trong khi huy động vốn của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn, đã tạo sức ép đến cân đối vốn, cơ cấu kỳ hạn của hệ thống TCTD.
Tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên có diễn biến tích cực, nhưng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tăng thấp, chủ yếu do năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm, năng lực xây dựng phương án SXKD của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, nên chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Việc cung ứng một khối lượng lớn tiền ra mua ngoại tệ để hỗ trợ quá trình thoái vốn đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành để đảm bảo kiểm soát tiền tệ, hạn chế tác động đến lạm phát. Tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định nhưng vẫn là lĩnh vực chịu tác động mạnh bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng thị trường nên không thể chủ quan.
Trong bối cảnh cầu vốn từ hệ thống ngân hàng còn ở mức cao, vấn đề xử lý nợ xấu của các TCTD còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế còn tình trạng đô la hóa, chênh lệch lãi suất đầu vào đâu ra của hệ thống ngân hàng đã ở mức thấp hơn mức khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với NHNN trong việc điều hành giảm lãi suất cho vay.
Năm 2018, để điều hành chính sách tiền tệ đạt được các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra, NHNN sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Năm 2018, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. |
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí