Kinh tế

Ngân hàng kích cầu thẻ nhằm tăng trưởng tín dụng

Từ sản phẩm chỉ dành cho khách hàng cao cấp, thẻ tín dụng nay là dịch vụ phổ biến, sinh lời cao, các ngân hàng đang khai thác mạnh.

Ngân hàng tăng trưởng nhờ mảng thẻ

Báo cáo 9 tháng đầu năm 2018 của Ngân hàng Quốc tế (VIB) ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế lên đến 1.720 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước và đạt 86% kế hoạch cả năm. Điểm sáng lớn nhất thuộc về khối ngân hàng bán lẻ. Dư nợ tín dụng bán lẻ ghi nhận trên 67.400 tỷ, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2017, trở thành một trong những ngân hàng cho vay bán lẻ lớn nhất thị trường.

Trong đó, mô hình phát triển thẻ tín dụng đa kênh cũng tiếp đà tăng mạnh mẽ cho mảng thẻ với nhiều tiện ích kết hợp của ngân hàng số, kênh mạng lưới chi nhánh, kênh bán hàng trực tiếp và kênh bán hàng qua điện thoại. Kết quả, tổng chi tiêu qua thẻ tín dụng trong quý III/2018 tăng 214% so với quý III/2017.

Đại diện ngân hàng cho biết để đạt được những kết quả khả quan này nhờ chiến lược đẩy mạnh mảng thẻ tín dụng, với việc ra mắt loạt sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối, tiếp cận khách hàng. Đồng thời các chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng... cũng nhận mức đầu tư lớn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, cải tiến dịch vụ, mở rộng mạng lưới đối tác. Đơn cử chỉ riêng trong tháng cuối năm 2018 có đến 5 sản phẩm thẻ với những đặc quyền khác nhau được phát hành.

Hiện chưa có nhiều ngân hàng triển khai thẻ tín dụng dành cho chủ xe ôtô.

Theo các chuyên gia tài chính, việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cố vấn cấp cao ngành ngân hàng cho biết dịch vụ thẻ tín dụng là một trong những kênh tín dụng sinh lời cao được các ngân hàng tập trung phát triển.

Với đặc thù vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo, thẻ tín dụng có lãi suất cao hơn so với vay thông thường. Tuy nhiên đổi lại, nếu chủ thẻ tất toán dư nợ thẻ tín dụng trong thời hạn quy định 45-55 ngày, lãi suất là 0%.

"Tuy nhiên nếu xét trên bình diện chung, thẻ tín dụng chỉ là món khoản nợ nhỏ, trường hợp phát sinh rủi ro với ngân hàng cũng không ảnh hưởng nhiều đến danh mục tín dụng", ông Hiếu khẳng định.

Ngoài ra, dịch vụ thẻ tín dụng còn giúp ngân hàng sống khoẻ nhờ phí và các dịch vụ cộng thêm, bán chéo sản phẩm cho chủ thẻ.

Vào các tháng cuối năm, nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân trên cả nước tăng mạnh. Đây là dịp thuận lợi để các ngân hàng hoạt động với công suất tối đa, tranh thủ cơ hội tăng cường lượng lớn khách hàng.

Cùng với đó, đây còn là giai đoạn nước rút quan trọng đẩy mạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm của các ngân hàng. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến vào khoảng 14-15%. Đây là con số lạc quan trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đứng trước thách thức đảm bảo an toàn tín dụng đối với các nhà băng.

Nhiều cải tiến về loại hình và điều kiện thẻ tín dụng

Sự phát triển đa dạng sản phẩm thẻ tín dụng chỉ mới nở rộ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ông Nguyễn Minh Hùng, trưởng phòng kinh doanh một công ty tại quận 4, TP HCM hiện có đến ba thẻ tín dụng. Mỗi loại thẻ được dùng để tận dụng những ưu đãi đặc thù.

Vào thời điểm cách đây 10 năm, thủ tục phát hành thẻ tín dụng còn khó khăn, đòi hỏi khách hàng cung cấp nhiều loại giấy tờ gồm hộ khẩu, hợp đồng lao động, bảo lãnh của chủ doanh nghiệp, thậm chí cần cả hoá đơn điện, nước... Hạn mức và lãi suất trong thẻ cũng được ấn định theo hướng đảm bảo tối đa an toàn tín dụng cho ngân hàng, với số tiền được vay qua thẻ thấp, nhưng lãi suất lại cao.

Trong khi đó, chị Ngọc Hân, kế toán trưởng làm việc tại quận Tân Bình, TP HCM cho biết dù đã có một thẻ tín dụng, chị vẫn muốn đăng ký mở thêm thẻ thứ hai, thứ ba... bởi những tính năng, ưu đãi liên tục được cập nhật ở nhiều sản phẩm thẻ.

"Việc tiếp cận thông tin về thẻ cũng rất dễ dàng qua các kênh như website, email... bên cạnh kênh truyền thống là tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại", chị Hân nói.

Một trong những yếu tố khiến chị Hân có nhu cầu mở thêm thẻ, là những đặc thù ưu đãi riêng biệt dành cho từng loại thẻ khác nhau. Chẳng hạn thẻ tín dụng VIB Happy Drive đem đến nhiều lợi ích cho người sở hữu ôtô như tặng 500 lít xăng, Standard Chartered hoàn tiền cho khách hàng mở thẻ và chi tiêu theo hạn mức quy định, CitiBank nhận vali du lịch khi mở thẻ.

Thủ tục phát hành thẻ đơn giản hơn nhiều so với những năm trước, khách hàng chỉ cần bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân không cần công chứng và hợp đồng lao động. Với những khách hàng đã có gói vay hoặc tiền gửi tại ngân hàng, thủ tục giấy tờ được tiết giảm tối thiểu.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang dần đơn giản hoá thủ tục mở thẻ để thu hút khách hàng như cho phép đăng ký mở thẻ trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến, thời gian từ lúc đăng ký tới khi có thể sử dụng cũng được rút ngắn. Đối tượng và hạn mức của thẻ tín dụng được mở rộng hơn, không chỉ là đặc quyền của những người thu nhập cao mà một cá nhân với thu nhập khoảng 6 triệu đồng một tháng đã có thể sở hữu thẻ tín dụng ngân hàng với hạn mức chi tiêu lên tới vài chục triệu.

Nhân viên VIB tư vấn cho khách hàng về lợi ích của thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng hướng đến từng nhóm khách hàng

Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ và chiến lược của VIB cho biết, bên cạnh các ưu đãi nổi bật, VIB thường xuyên mở rộng hợp tác với các đối tác để luôn có những chương trình ưu đãi mới cho chủ thẻ tín dụng.

Theo đại diện VIB, mỗi dòng thẻ đều có những tính năng và ưu đãi được đánh giá là cạnh tranh so với các dòng thẻ tín dụng khác trên thị trường. Đơn cử, với thẻ VIB Travel Élite, chủ thẻ nhận hoàn tiền 3 triệu đồng khi chi tiêu từ 7 triệu đồng trong 37 ngày đầu mở thẻ, tặng dặm thưởng cho mỗi chi tiêu. Ngoài ra ngân hàng còn có nhiều ưu đãi liên quan đến du lịch, công tác nước ngoài như sử dụng phòng chờ VIP tại hơn 1.000 phòng chờ trên toàn thế giới, phí giao dịch ngoại tệ thấp 1,75%.

Sản phẩm mang tính đặc thù cao nhất đợt này là thẻ VIB Happy Drive hướng đến khách hàng là chủ xe ôtô. Sản phẩm thẻ áp dụng ưu đãi hoàn phí bảo trì xe 30% tại các trung tâm bảo dưỡng, nhận voucher miễn phí 500 lít xăng...

Còn với sản phẩm VIB Cashback, chủ thẻ nhận hoàn tiền 12 triệu đồng một năm cho mọi giao dịch. Chi tiêu càng nhiều, chủ thẻ càng được hoàn tiền nhiều, giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Cuộc đua chung của ngành ngân hàng

Các chuyên gia nhìn nhận, kể từ khi thẻ tín dụng quốc tế lần đầu được Vietcombank phát hành tại Việt Nam, thị trường thẻ đã tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng lẫn mức độ đa dạng về sản phẩm, loại hình, ưu đãi, đối tượng khách hàng mục tiêu.

Theo số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, vào năm 1996 hiệp hội chỉ có 4 ngân hàng là thành viên sáng lập. Thị trường thẻ Việt Nam lúc đó còn sơ khai, nhận thức của người dân về thanh toán thẻ còn hạn chế nên các sản phẩm thẻ chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu của tầng lớp dân cư có thu nhập cao và phần lớn chỉ là thẻ quốc tế được sử dụng khi mua sắm hàng hoá dịch vụ ở nước ngoài.

Hơn 20 năm sau, đã có 40 ngân hàng phát hành thẻ quốc tế, trong đó có 37 ngân hàng phát hành thẻ tín dụng. Doanh số sử dụng thẻ quốc tế tăng trưởng 30% trong năm 2017, cơ cấu về tỷ trọng doanh số sử dụng của thẻ quốc tế so với tổng doanh số sử dụng thẻ tăng từ 11% (năm 2016) lên 13% (năm 2017).

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý III/2018, các ngân hàng phát hành tổng cộng 147,3 triệu thẻ. Trong đó phần lớn vẫn là thẻ ghi nợ, đồng nghĩa với việc dư địa của thị trường thẻ tín dụng vẫn còn lớn và cuộc đua cạnh tranh thị phần trên thị trường này mới chỉ bắt đầu.

Tác giả: Khánh Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok