Giáo dục

Ngân hàng đề - một cách để giảm tiêu cực từ dạy thêm, học thêm

Để tạo sự công bằng, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra, các cấp quản lý giáo dục cần sớm lập ra một “ngân hàng” đề các môn thi.

LTS: Nhằm đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm ở các trường học hiện nay, thầy giáo Võ Tiến Hưng, tới từ Cần Thơ, đã có bài viết nêu ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Dạy thêm, học thêm từ hàng chục năm nay đã trở thành đề tài muôn thuở, không chỉ riêng của ngành Giáo dục, của các bậc phụ huynh học sinh mà nó còn liên quan đến tất cả mọi người.

Dù đây là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng càng tranh luận, càng mổ xẻ thì chúng ta càng… bế tắc!

Nhiều kế sách được nêu ra, nhưng vẫn chưa có một giải pháp khả thi, một lối ra hợp lý cho “vấn nạn” này.

Trong hàng vạn ý kiến xoay quanh việc nên hay không nên dạy thêm, học thêm thì có rất nhiều quan điểm đồng tình, ủng hộ nhưng cũng không ít lập trường phê phán, phản đối.

dunggg
Ngân hàng đề - một cách để giảm tiêu cực từ dạy thêm, học thêm (Ảnh: hanoimoi.com.vn).

Là một giáo viên tôi không tuyệt đối chỉ trích chuyện dạy thêm, học thêm vì đây là một nhu cầu chính đáng của học sinh.

Thực tiễn cũng đã chứng minh có rất nhiều học sinh đi học thêm là con cháu các vị cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng cũng như Ban Giám hiệu nhà trường.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh từ dạy thêm, học thêm khiến dư luận phải bức xúc.

Nhân năm học mới bắt đầu, để giảm bớt phần nào bức xúc tiêu cực từ chuyện dạy thêm, học thêm tôi xin chia sẻ một ý kiến nhỏ, mong được các cấp quản lý Giáo dục, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh góp ý trao đổi thêm.

Trong số những ý kiến phản đối dạy thêm, học thêm chúng ta phải thừa nhận dư luận không sai khi cho rằng một bộ phận giáo viên đã dùng nhiều “chiêu” lôi kéo các em học thêm tiêu biểu là không học điểm kiểm tra sẽ bị thấp.

Lâu nay, nội dung các đề kiểm tra định kỳ theo phân phối chương trình là do một giáo viên hoặc một nhóm giáo viên quyết định về mức độ khó dễ, nhiều ít.

Điều này chính là một trong những nguyên nhân đưa đến tiêu cực, đó là học sinh phải miễn cưỡng đi học thêm để được giáo viên khéo léo “bật mí” và “tập dượt” trước các dạng bài toán (nếu là môn toán) mà giáo viên sẽ cho trong đề kiểm tra.

Trong trường hợp này những phụ huynh, học sinh biết lo xa, không muốn điểm thấp, chắc chắn không dám mạo hiểm chọn phương án tự học ở nhà.

Mặc dù thực tế cũng có những học sinh tự học đạt kết quả khá tốt nhưng các trường hợp như thế rất hiếm.

Từ những vấn đề nêu trên, theo tôi để tạo sự công bằng, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra, các cấp quản lý giáo dục cần sớm lập ra một “ngân hàng” đề toán .

Trong đó có quy định rõ số lượng và các dạng bài tập có thể cho học sinh làm kiểm tra 15 phút, một tiết (45 phút) cũng như giữa kỳ và cuối kỳ.

“Ngân hàng” đề này được “huy động” từ các trường và được Phòng Giáo dục (cơ quan chủ quản cấp trên các trường) chọn lọc, thẩm định và lập thành tài liệu hoặc cho lên trang mạng của Phòng Giáo dục và thông báo công khai cho giáo viên, học sinh các trường trực thuộc nắm rõ.

Như vậy một học sinh muốn được điểm số cao trong các bài kiểm tra thì học sinh này (nếu sẵn có trình độ căn bản) có thể sử dụng “ngân hàng” đề trên mà không nhất thiết phải đi học thêm.

Tương tự như thế ở các môn khác như Văn, Anh, Lý , Hóa… với cách làm trên, nếu có sự phối hợp tốt giữa Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu và gia đình phụ huynh học sinh trong việc ra đề kiểm tra của giáo viên, tôi tin chắc rằng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực từ phía giáo viên và giảm bớt phần nào bức xúc của phụ huynh đối với “vấn nạn” này.

Tác giả bài viết: Võ Tiến Hưng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok