Vài năm gần đây, các loại gà đặc sản của Việt Nam như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà chín cựa trong truyền thuyết hay gà rừng, gà chọi,... luôn được xếp vào những mặt hàng "đắt như tôm tươi", giá từ 250.000-500.000 đồng/kg tuỳ loại (gà thương phẩm). Còn những con gà đẹp giá lên tới vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng mỗi đôi.
Đáng chú ý, những con gà đẹp dù có giá cao ngất ngưởng lên tới cả cây vàng song nhiều người vẫn phải lùng mua vì hàng hiếm, nhất là vào dịp Tết nhu cầu mua biếu tặng tăng đột biến. Song, sang năm nay, thị trường gà đặc sản Việt bắt đầu trầm lắng. Nhiều chủ buôn cho biết, nhu cầu đặt mua gà đặc sản ăn Tết hay làm quà biếu Tết đã giảm đi rất nhiều, chỉ bằng 1/6 so với năm ngoái dù Tết Nguyên đán đã cận kề.
Trái ngược với thị trường gà đặc sản, dịp cận Tết này, các loại thịt gà tây xông khói Hàn Quốc hay cánh, đùi, lườn ngỗng Nga xông khói lại bất ngờ lên cơn sốt. Trên các trang mạng xã hội, hai mặt hàng này được rao bán tràn ngập với số lượng lớn, với mức giá khá rẻ.
Lườn ngỗng Nga, đùi gà Hàn Quốc xông khói đang là mặt hàng hot dịp Tết vì giá thành khá rẻ, ăn lạ miệng |
Đơn cử, 1kg lườn ngỗng xuất xứ Nga chỉ có giá 175.000 đồng, thậm chí có nơi bán 135.000 đồng/kg. Hay đùi gà tây xông khói Hàn Quốc giá cũng chỉ từ 200.000-240.000 đồng/đùi (mỗi đùi trọng lượng khoảng 900gr-1kg).
Người bán quảng cáo, những mặt hàng này được đóng bao gói chuẩn, bảo quản lạnh để được vài tháng cho tới cả năm. Khách mua về chỉ việc thái ra ăn, không cần phải đun nấu cầu kỳ phức tạp.
Luôn tay chia những túi lườn ngỗng nhỏ đã hút chân không thành từng cân, chị Đỗ Thị Minh Hồng, chủ một cửa hàng thực phẩm nằm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, lườn ngỗng hun khói Nga hiện đang là mặt hàng hot, liên tục cháy hàng. Tháng trước, cứ hai ngày chị bán hết 1 tạ, còn giờ vào thời điểm cận Tết, chị bán không kịp đếm vì cứ gom được bao nhiêu, khách lẻ lại hỏi mua bằng hết chứ chưa nói đến khách buôn.
“So với đùi gà tây xông khói thì lườn ngỗng xông khói đắt khách hơn vì đây là món mới, giá lại rẻ hơn vài chục ngàn nên nhiều người tò mò muốn ăn thử. Lúc đầu tôi chỉ nhập ít thôi vì nghĩ bán chính vẫn là đùi gà, không ngờ khách hàng hỏi mua ồ ạt nên đùi gà vẫn còn mà lườn ngỗng bán hết veo”, chị nói.
Tương tự, cũng đang tìm đủ mọi nguồn để gom lườn ngỗng xông khói, anh Trần Văn Bằng, một chủ hàng bán thực phẩm online kể, tính từ đầu mùa đến giờ, cả buôn cả lẻ anh đã bán được gần 1 tấn lườn ngỗng, đùi gà thì ít hơn, khoảng 3-4 tạ. Do nhu cầu tăng cao nên hiện giờ hàng rất khan, có người còn đặt tiền trước mong giữ được chục cân lườn ngỗng ăn Tết nhưng anh vẫn không dám hứa trước.
Chị Tạ Thu Trà chia sẻ, Tết năm nào nhà chị cũng trung thành với gà luộc, nhưng ăn mãi cũng ngán, dù là gà đặc sản thì cả nhà cũng chỉ gắp mấy miếng, rồi lại dồn hết bữa này sang bữa khác đến thừa mứa, cất tủ lạnh chẳng buồn ăn.
Vậy nên năm nay, chị quyết định chỉ mua hai con gà lễ đủ để làm cỗ tất niên và thắp hương đêm giao thừa, còn cả nhà chuyển sang ăn lườn ngỗng và đùi gà tây xông khói cho lạ miệng.
Nhiều người đặt mua số lượng lớn lườn ngỗng hun khói để ăn Tết |
“Lúc đầu, tôi mua 2 gói lườn ngỗng giá 40.000 đồng/gói 200gr về rán áp chảo ăn thử thấy bọn trẻ con rất thích, gắp lia lịa chấm tương ớt, ăn với cơm nóng cũng được 2 bát, còn chồng tôi lại khoái để rã đông rồi thái miếng, ăn có vị mằn mặn, sần sật, uống với bia cực hợp”.
Cũng may, vì món xông khói hạn sử dụng khá lâu, để ngăn đá được vài tháng nên chị đã mua từ sớm, nếu không sát Tết mới mua thì không biết khi nào có hàng về.
Không những để gia đình ăn Tết, chị Nguyễn Thị Bích Trâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn mua lườn ngỗng xông khói dùng làm món ngon mời khách. Thay vì phải chuẩn bị lích kích, mất hơn tiếng đồng hồ vặt lông cắt tiết, luộc gà, chị Trâm chỉ việc rã đông gói lườn, thái mỏng bày lên đĩa là có món vừa rẻ vừa ngon. Khách đến chơi thì nhấm nháp với rượu vang cùng chủ nhà, vừa hợp lại cực sang chảnh.
Thế nhưng, nhiều người mua không hay biết, dù được quảng cáo là hàng Nga xịn, song lườn ngỗng xông khói thực chất là hàng Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang Nga. Trong đó, hầu hết người bán rao “hàng Nga” chỉ bán hàng Việt xuất khẩu vì có bao bì tiếng Nga, còn hàng Trung Quốc do có chữ Trung Quốc, người tiêu dùng mang tâm lý hoài nghi sẽ không mua, anh Bằng tiết lộ.
Tác giả: Băng Dương
Nguồn tin: Báo VietNamNet