Thế giới

Nga tung cành ô liu cho Tân Tổng thống Ukraine còn đang "tiến thoái lưỡng nan"

Zelenskiy vẫn đang đi trên dây trong các vấn đề đối ngoại của Ukraine.

Theo một cuộc điều tra dư luận do hãng Levada công bố ngày 13/6/2019, trong số những người Nga trả lời các câu hỏi điều tra, 29% muốn rằng khu vực Donbass trở thành một quốc gia độc lập, 27% mong muốn khu vực này tách khỏi Ukraine và gia nhập vào Liên bang Nga, 17% mong muốn Donbass vẫn là một bộ phận của Ukraine nhưng có nhiều quyền tự trị hơn.

So với cuộc điều tra dư luận về vấn đề này, tiến hành năm 2017, đã có một sự giảm sút nhất định. Khi đó 37% những người được hỏi ý kiến muốn miền Đông Ukraine độc lập, trong khi 21% muốn khu vực này gia nhập vào Liên bang Nga.

Cuộc điều tra nói trên được công bố cùng ngày với việc Tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Ukraine sẽ tích cực theo đuổi chủ trương khôi phục quan hệ giữa Ukraine và Nga, khẳng định quá trình bình thường hóa giữa hai nước là không thể tránh khỏi.

Tổng thống Nga nói: "Tôi hy vọng ban lãnh đạo mới của Ukraine sẽ không còn những hạn chế (của giới tinh hoa Ukraine tiền nhiệm) và cảm thấy thoải mái khi dựa vào sự tin tưởng của người dân Ukraine với tân Tổng thống Zelenskiy, cũng như nhiệt thành trong việc khôi phục quan hệ Nga - Ukraine và giải quyết các vấn đề nội bộ… Tôi kỳ vọng chính quyền Ukraine sẽ không sử dụng những ý tưởng và tâm lý bài Nga để lảng tránh những vấn đề nội bộ của nước họ".

Tuyên bố của Tổng thống Putin cho thấy một sự lạc quan thận trọng của Moscow, xuất phát từ một số tuyên bố và việc làm của tổng thống mới của Ukraine Zelenskiy từ khi đắc cử. Tuy nhiên, ông Zelenskiy cũng đưa ra những tín hiệu không nhất quán về triển vọng quan hệ với Nga. Một mặt ông tuyên bố ưu tiên giải quyết vấn đề li khai của miền Đông, mặt khác vẫn giữ một số luận điệu cũ của giới tính hoa Kiev, gọi Nga là "kẻ thù" và "kẻ gây hấn".

Chính quyền mới có ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Ukraine về vấn đề liệu có nên đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga hay không, với hy vọng đa số áp đảo cử tri bỏ phiếu cho Zelenskiy trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua sẽ ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Nga, để tránh sự công kích của các phe phái chống Nga tại Ukraine với chính quyền mới.

Tình trạng bế tắc đối với vấn đề miền Đông

Gần một tháng đã trôi qua trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, tân tổng thống đã cho thấy sẽ chủ yếu tập trung giải quyết những vấn đề đối nội, giữ nguyên các mục tiêu đối ngoại, trong đó duy trì các thỏa thuận Minsk với Moscow và với các lực lượng li khai miền Đông. Tổng thống mới hiểu rằng trừ khi Moscow điều chỉnh lập trường, chính quyền Ukraine khó có thể làm gì để kết thúc cuộc xung đột tại đó. Tuy nhiên, tổng thống mới cần làm gì đó để thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay tại miền Đông.

Lực lượng vũ trang Ukraine tại khu vực miền Đông.

Muốn giải quyết vấn đề miền Đông li khai, Kiev chắc chắn phải cải thiện quan hệ với Nga. Nhưng trong tình hình cả Liên minh châu Âu cũng như NATO không sẵn sàng kết nạp Ukraine trong tương lai gần, chính quyền Kiev vẫn phải thực hiện chiến lược duy trì quan hệ chặt chẽ với phương Tây về chính trị, an ninh và kinh tế để tạo thế trong quan hệ với Nga.

Các nước Tây Âu, chủ yếu là Pháp và Đức, nhất trí cần có những biện pháp để thực hiện ngừng bắn tại Donbass, đó cũng là ưu tiên chính sách của chính quyền Zelenskiy. Một cuộc gặp cấp cao của nhóm Normandy, bao gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine là không thể loại trừ.

Nhưng Moscow muốn Kiev tiến hành đối thoại với các khu vực li khai Donbass và Lugansk về một quy chế đặc biệt cho Donbass, tổ chức bầu cử, ân xá các tù nhân, khôi phục các quan hệ kinh tế và xã hội, như đã đạt được tại Thỏa thuận Minsk, nhưng chính quyền tiền nhiệm Poroshenko đã không thể thực hiện do sự chống đối trong nước.

Văn phòng điều tra quốc gia Ukraine đã mở cuộc điều tra về tội danh phản quốc chống lại cựu Tổng thống Poroshenko về sự kiện tại eo Kerch tháng 11 năm ngoái, tạo ra cuộc xung đột với Nga. Động thái này có thể là hành động để nhằm kiềm chế cựu tổng thống, người đang nắm đa số tại Quốc hội Ukraine và có thể khuấy động sự chống đối với mọi chính sách của tổng thống mới.

Mỹ vẫn giữ quyền chủ động trong cuộc chơi ở khu vực. Sau khi rút khỏi các thỏa thuận hạt nhân với Nga, vừa qua, Tổng thống Trump đã quyết định đưa 1000 quân vào đồn trú tại Ba Lan, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Washington vẫn có khả năng can thiệp vào tình hình Ukraine.

Cho nên Tổng thống Zelenskiy vẫn đang đi trên dây trong các vấn đề đối ngoại của Ukraine. Vẫn chưa biết chắc được cành ô liu mà tổng thống Nga chìa ra cho nhà lãnh đạo mới của Kiev hôm 13/6 sẽ được đón nhận như thế nào. Điều rõ ràng là tổng thống mới cần có cách tiếp cận mới mà cử tri Ukraine đã trao quyền cho ông. Một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề miền Đông và quan hệ với Nga có lẽ là một giải pháp khó tránh khỏi./.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Tổ quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok