Chia sẻ về chủ trương biểu diễn “Những vở kịch còn mãi với thời gian” vào ngày 31/7, bà Minh Nguyệt - Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, kế hoạch đem các vở diễn thuộc các lĩnh vực nghệ thuật vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội là chủ trương của Bộ VHTT&DL.
Từ tháng 8/2016 đến hết tháng 7/2017 đã được biểu diễn được 14 vở thuộc các loại hình nghệ thuật: Tuồng, Chèo, Cải lương… Theo kế hoạch, tháng 8/2017 là tháng của “Những vở kịch còn mãi với thời gian”. Trong tháng này sẽ có 11 vở kịch được biểu diễn và vở kịch mở màn là “Vòng phấn Kavkaz” của Nhà hát Tuổi trẻ, diễn ra vào tối 5/8.
Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu các vở kịch còn mãi với thời gian tại Nhà hát Lớn Hà Nội. |
Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục biểu diễn trong các tối 6-7/8 với vở kịch “Ai là thủ phạm” và “Công lý không gục ngã”.
Nhà hát kịch Hà Nội biểu diễn từ tối 8- 10/8 các vở “Cát bụi”, “Điện thoại di động” và “Bỉ vỏ”.
Nhà hát Kịch Việt Nam diễn “Kiều” vào hai đêm 11- 12/8; vở “Lão hà tiện” 13/8.
Đoàn kịch nói Công an Nhân dân diễn vở “Bão của hoàng hôn” vào tối 17/8 và “Quyết đấu giữa sương mù” (18/8).
Nhà hát kịch nói Quân đội biểu diễn vở “Dưới cát là nước” tối 20/8.
“Những vở kịch còn mãi với thời gian” hội tụ những nghệ sĩ tên tuổi nhất của sân khấu kịch hiện nay như: NSND Lê Khanh, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Khuê, Vân Dung, NSƯT Minh Hằng, NSND Minh Hòa, NSND Trung Hiếu, NSƯT Thu Hà… và các nghệ sĩ trẻ đang là cái tên “hot” trên truyền hình như: Bảo Thanh, Hồng Đăng, Mạnh Hà, Ngọc Quỳnh, Thúy An…
Những vở diễn cũng đa dạng và phong phú về đề tài. Khán giả yêu thích sân khấu cổ điển có thể lựa chọn “Vòng phấn Kavkaz”- vở kịch kinh điển của Bertol Brecht. Người yêu mến kịch của Lưu Quang Vũ lại có dịp thưởng thức một vở kịch nổi tiếng của ông với “Ai là thủ phạm”. Bên cạnh đó, khán giả yêu thích sân khấu chính kịch chuẩn mực cũng có thể tiếp tục lựa chọn: "Công lý không gục ngã", "Cát bụi", "Bỉ vỏ…"
Khán giả yêu thích sân khấu hài sẽ hài lòng với đêm diễn của “Lão hà tiện”. Ngoài ra, các vở diễn mới được dàn dựng và các vở diễn đã đoạt giải thưởng của các nhà hát cũng “hội ngộ” tại “thánh đường” sân khấu Nhà hát Lớn, đem đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn.
Ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng Cục NTBD cho biết, đây là những vở kịch có chất lượng đã gây nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Những vở này khi được dàn dựng lại, chất lượng sẽ được nâng cao hơn vì thế hệ diễn viên từng diễn vở này đã khác đi nhiều rồi.
Vở Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ được biểu diễn trên Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 11 và 12/8. |
Đại tá, NSƯT Nguyễn Ngọc Thư - Giám đốc Nhà hát kịch nói Quân đội cũng bày tỏ, việc được đem vở diễn của mình vào diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội là vinh dự lớn lao của các nghệ sĩ. Vì thế, 11 vở kịch sẽ biểu diễn sắp tới khi đưa vào Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ được nâng tầm lên với tinh thần quảng bá là chính, không quan trọng việc thu lợi nhuận.
“Nếu vào Nhà hát Lớn Hà Nội thì trách nhiệm của chúng tôi nâng lên rất nhiều. Nếu đang ở 90% thì nhích lên 98% để đúng với tiêu chí còn mãi với thời gian”, NSƯT Ngọc Thư nói.
Chia sẻ về những khó khăn của nghệ thuật sân khấu hiện nay, NSƯT Chí Trung phát biểu: “Nghệ thuật sân khấu đang hoạt động rất khó khăn. Hầu như, chúng tôi không “sống” được đơn giản vì khán giả không quan tâm, chỉ có một số phim ảnh là còn sống tốt. 11 vở diễn được đem ra công diễn lần này tựa như 11 “nàng công chúa” ngủ trong rừng chờ “hoàng tử” đến đánh thức. Nhưng nếu không được truyền thông và khán giả biết đến, chúng tôi sẽ mãi mãi như áo gấm đi đêm. Chúng tôi mong khán giả sẽ đến thưởng thức và ủng hộ anh chị em nghệ sĩ”.
Đồng tình với ý kiến đó, NSƯT Nguyễn Ngọc Thư cho biết, thời điểm này, các nhà hát đang rất vất vả tìm mọi cách để khán giả đến gần với mình. Theo nữ nghệ sĩ này, điều quan trọng nhất với hoạt động biểu diễn nghệ thuật là làm sao để các tác phẩm đến với công chúng rộng nhất, đúng nhất… Làm sao khi nghe nhà hát biểu diễn thì khán giả nô nức đi xem.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: Báo Dân trí