Giáo dục

Nên xem xét lại cách đánh giá và công nhận danh hiệu giáo viên giỏi

Chỉ với một bài kiểm tra lý thuyết trong 180 phút và hai tiết dạy thực hành 90 phút, khó có thể đánh giá được độ “giỏi” thực sự của giáo viên.

LTS: Băn khoăn trước việc đánh giá và công nhận danh hiệu Giáo viên giỏi hiện nay, thầy giáo Bùi Minh Tuấn cho rằng cần phân biệt giữa danh hiệu giáo viên giỏi và giáo viên dạy giỏi.

Trong đó, danh hiệu giáo viên giỏi mang ý nghĩa toàn diện hơn, đồng thời cũng là cái đích cần vươn tới của mỗi giáo viên.

Theo thầy, chỉ với một bài kiểm tra lý thuyết trong 180 phút và hai tiết dạy thực hành 90 phút, khó có thể đánh giá được độ “giỏi” thực sự của giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Trong các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhân tố người thầy đóng vai trò quyết định.

Một đơn vị giáo dục có đội ngũ giáo viên thực sự tâm huyết với nghề, hết lòng yêu thương học sinh, có năng lực chuyên môn tốt chắc chắn sẽ tác động tích cực tới chất lượng dạy và học của nhà trường.

Danh hiệu giáo viên giỏi được công nhận nhằm tôn vinh những giáo viên có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như có nhiều đóng góp trong quá trình giáo dục đạo đức học sinh.

Danh hiệu này thực sự là động lực để giáo viên phấn đấu, không ngừng nâng cao tay nghề, trau dồi phẩm chất và năng lực chuyên môn, từ đó, củng cố uy tín đối với học sinh và phụ huynh.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, để đạt được danh hiệu giáo viên giỏi, bên cạnh năng lực chuyên môn vững vàng, thường xuyên học hỏi, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, người giáo viên còn phải biết “thu phục” học sinh, có uy tín đối với đồng nghiệp, gia đình phụ huynh học sinh…

Nghĩa là, để trở thành một giáo viên giỏi thực sự, người giáo viên phải trải qua quá trình phấn đầu, rèn luyện lâu dài.

Mặc dầu vậy, việc đánh giá, công nhận danh hiệu giáo viên giỏi hiện nay còn bộc lộ một số điểm chưa hợp lý.

Để đạt danh hiệu giỏi, hiện giáo viên phải trải qua một kỳ thi chọn giáo viên dạy giỏi với hai vòng: lý thuyết và thực hành.

Vòng thi lý thuyết để kiểm tra kiến thức chuyên môn, vòng thi thực hành để kiểm tra kỹ năng sư phạm.

giao vien gioi
Cách đánh giá và công nhận danh hiệu Giáo viên giỏi cần được điều chỉnh. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Như trên đã đề cập, kết quả giảng dạy cũng như năng lực sư phạm của một giáo viên phải được kiểm nghiệm, “cân đo, đong đếm” trong cả một quá trình phấn đấu.

Chỉ với một bài kiểm tra lý thuyết trong 180 phút và hai tiết dạy thực hành 90 phút, khó có thể đánh giá được độ “giỏi” thực sự của giáo viên.

Trong quá trình thi giáo viên giỏi, người giáo viên không những phải đạt “chuẩn” về mặt kiến thức mà còn phải có phương pháp truyền đạt phù hợp cùng các kỹ năng và sự sáng tạo trong quá trình giảng dạy.

Cái đích hướng tới trong quá trình giáo dục là hiệu quả tiến bộ về nhận thức có thể “đo đếm” được ở người học.

Do đó, khi tham gia dự thi, ngoài việc giáo viên phải đảm bảo được yêu cầu của tiết dạy, học sinh còn phải được kiểm tra kiến thức, mức độ tiếp nhận qua các tiết học đó.



Nếu đạt yêu cầu theo quy định thì giáo viên giảng dạy mới được công nhận là giáo viên giỏi.

Trên thực tế, với quy định giáo viên dự thi thực hành (là phần thi quan trọng, thường được tính hệ số 2) được tiến hành bốc thăm và biết bài dạy trước nhiều ngày, có khi đến hàng tuần như hiện nay.

Không ít giáo viên lên lớp chỉ là để “diễn” lại tiết dạy theo một “kịch bản” giáo án đã được tập dượt trước đó nhiều lần ở các lớp học sinh khác nhau.

Giáo viên nào có “diễn xuất” tốt hơn, thường được đánh giá cao hơn.

Trong khi đó, khâu đánh giá hiệu quả của tiết dạy trên cơ sở nắm bắt khả năng nhận thức, mức độ hiểu bài của học sinh chưa được tiến hành, hoặc nếu có, cũng chỉ qua loa, hình thức.

Bên cạnh những bất hợp lý trong đánh giá giáo viên giỏi, việc công nhận danh hiệu này trong nhiều năm, dù bản thân giáo viên đó mới chỉ dự thi một lần dễ làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, tự thỏa mãn, vin vào cớ đã “đạt” rồi thì không cần phải cố gắng, phấn đấu thêm nữa.

Thực tế cho thấy, giáo dục là cả một quá trình, luôn có sự vận động, biến đổi. Người giáo viên cần phải có khả năng thích ứng, thường xuyên trau dồi, đổi mới phương pháp giảng dạy thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giảng dạy.

Nghĩa là, người giáo viên giỏi phải luôn đặt cho mình nhiệm vụ không ngừng bổ sung, nâng cao trình độ để có thể “biết mười, dạy một” ngay cả khi đã mang danh giáo viên giỏi.

Để đạt được danh hiệu giáo viên giỏi theo đúng tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đề ra không phải là việc dễ dàng.

Cần phân biệt giữa danh hiệu giáo viên giỏi và giáo viên dạy giỏi.

Trong đó, danh hiệu giáo viên giỏi mang ý nghĩa toàn diện hơn, đồng thời cũng là cái đích cần vươn tới của mỗi giáo viên.

Nên chăng, để tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá, bền vững về chất lượng giáo dục ở các đơn vị trường học, việc đánh giá, công nhận danh hiệu giáo viên giỏi cần đi vào thực chất, tránh cách làm hình thức theo kiểu “thời vụ” như bấy lâu nay.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân từng nhận định:

“Nếu không tạo động lực và sự hỗ trợ cần thiết cho giáo viên thì dù có phát động nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động cũng không thể thay đổi được cách dạy và cách học…

Phải cụ thể hóa khái niệm “dạy tốt” và xem lại việc công nhận giáo viên dạy giỏi như hiện nay”.

Ở các đơn vị trường học, Ban giám hiệu, nhất là Hiệu trưởng và Hiệu phó phụ trách chuyên môn phải thực sự khách quan, công tâm, có “con mắt xanh” nhìn ra được những giáo viên có tố chất, năng lực, tâm huyết với nghề làm hạt nhân, tạo nguồn giáo viên giỏi.

Từ đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ tự khẳng định mình trong quá trình công tác, giảng dạy.

Thực tế cho thấy, cách đánh giá chất lượng giảng dạy, giáo dục của một giáo viên giỏi khách quan và thiết thực nhất là thông qua chất lượng học sinh mà giáo viên đó được phân công phụ trách.

Trong một tập thể lớp có nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt về học tập, rèn luyện, tu dưỡng là minh chứng xác thực chứng tỏ họ đã được học tập, giáo dục bởi những giáo viên giỏi.

Do đó, không nên chỉ căn cứ vào một vài tiết dạy trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi để công nhận danh hiệu giáo viên giỏi.

Cuối cùng, việc đăng ký danh hiệu giáo viên giỏi cần căn cứ trên cơ sở thực tế từng đơn vị trường học, tránh chạy theo các chỉ tiêu, sa vào “bệnh thành tích”, vốn là “căn bệnh” trầm kha chưa được “chữa trị” dứt điểm của ngành giáo dục bấy lâu nay.

Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok