Mừng tuổi là một câu chuyện muôn thuở mà Tết nào dù có nói đi nói lại cũng không bao giờ hết chuyện. Vẫn biết, đó là nét đẹp văn hóa ngày tết, một chút gọi là lấy lộc lấy may cho khởi đầu một năm mới nhưng sao có nhiều người vẫn quá quan trọng chuyện mừng bao nhiêu và mừng cho những ai. Bởi với nhiều người, tiền mừng tuổi được quan niệm là sự khẳng định “đẳng cấp, vị thế” không những ngoài xã hội mà trong cả chính gia đình mình.
Mừng tuổi cho con cháu, họ hàng nhà chồng cũng là chuyện khiến chị P phát hoảng |
Chị P. sinh ra và lớn lên ở Thanh Hoá nhưng làm dâu ở Ninh Bình. Vợ chồng chị cùng đi làm công nhân, dù không dư dả nhưng nhờ chăm chỉ nên cuộc sống cũng đủ đầy, ổn định. Năm đầu về nhà chồng ăn Tết, chị xác định mình là dâu mới nên phải chu đáo quà cáp cho bố mẹ hai bên, cũng như người lớn tuổi trong nhà. Ấy thế mà chuyện quà cáp lại không khiến chị tá hoả cho đến ngày mùng 1 Tết, bị mẹ chồng chỉ đạo mừng tuổi cho tất cả con cháu, họ hàng trong nhà từ gần đến xa khiến chị cười ra nước mắt.
Theo thông lệ của gia đình, sáng mùng 1 Tết, sau khi làm mâm cơm thắp hương ở nhà, chị P cùng gia đình chồng sẽ về Tết gia đình bên nội cách đó 2 cây số. Đã thành lệ, sau lời chúc mừng là màn lì xì cho ông bà, bố mẹ chồng và các cháu bên chồng.
Năm nay, công ty làm ăn khó khăn hơn nên thưởng tết của chị giảm gần một nửa, bởi vậy chị P đều có sự cân nhắc và chi tiêu hợp lý cho các khoản tiền Tết. Tiền mừng tuổi cũng vậy, tất nhiên là dâu mới nên chị cũng lì xì ở mức khá giả, chứ không muốn mang hình ảnh xấu với gia đình bên chồng.
Chị P kể: “Ông bà nội và bố mẹ chồng là người lớn tuổi nên tôi bỏ lì xì 500 nghìn, đến các cháu con nhà cô chú, con nhà chị chồng đều là những họ hàng gần gũi nên tôi mừng lì xì tất thảy 100 nghìn. Cứ vậy, phân phát cũng hết một lượt, nhìn các cháu vui sướng vì bóc lì xì được mừng tiền to mẹ chồng tôi hài lòng lắm. Nhìn bà mỉm cười tôi cũng thấy nhẹ lòng, vậy là bổn phận làm dâu năm đầu của tôi cũng coi như xong xuôi và có sự chu đáo.
Tôi cứ nghĩ như vậy là xong liền xuống bếp chuẩn bị cơm trưa cùng các cô, các thím thì nghe tiếng mẹ chồng gọi giục giã trên nhà. Hỡi ôi khi bước lên trước mắt tôi là khoảng gần 20 cô nhóc cậu nhóc anh em họ hàng xa đã lâu năm trở về chúc Tết. Nhưng điều khiến tôi kinh khủng hơn chính là việc mẹ chồng kéo tôi ra nhắc khéo mừng tuổi, cứ chỉ đạo hết đứa trẻ này đến đứa trẻ khác để tôi liên tục lì xì trong khi bà hớn hở ra mặt như một sự tự hào vì có dâu mới biết điều”.
|
Vậy là chị P đành phải lấy chục cái lì xì đã bỏ sẵn 20 nghìn, định bụng sẽ mừng cho các cháu hàng xóm quanh nhà mẹ đẻ ra để mừng. Chị còn ngơ ngác chưa mừng tuổi xong đứa này đã bị mẹ chồng chỉ tay mừng đến đứa kia khiến nàng dâu trẻ méo cả mặt. Phong bao lì xì thì cứ dần vơi đi mà mẹ chồng cứ vẫy tay mừng cháu này nữa, cháu kia chưa có. May lúc ấy chồng chị cũng hiểu chuyện nên cứu nguy cho vợ, nhắc nhở chị xuống làm bữa kẻo trễ, chứ chị cũng không biết phải xử lý thế nào khi có thêm vài người hàng xóm xa có con nhỏ đến chúc tết nhà ông bà nội chồng.
“Về nhà tối hôm ấy, mẹ chồng gọi tôi ra với vẻ mặt vui khỏi phải nói. Mẹ kể bảo ai cũng khen con dâu biết điều lại thơm thảo, hết mừng tuổi ông bà lại lì xì các cháu chẳng chừa con ai từ lớn đến bé trong họ hàng, đúng là đã khéo lại còn biết làm kinh tế giỏi, mẹ hãnh diện lắm. Tôi cũng cười cho mẹ vui chứ thực ra đằng sau sự hãnh diện của mẹ tôi đã phải chi một khoản tiền không nhỏ, nằm ngoài kế hoạch. Tất nhiên, mừng tuổi là chuyện rất tế nhị, nhưng nếu vợ chồng tôi dư dả thì không sao, đằng này lương thưởng lại bị cắt bớt, nhưng mừng cũng mừng rồi, thôi thì ít ra điều đó cũng đã khiến mẹ chồng tôi hãnh diện”, chị P tâm sự.
Rút kinh nghiệm, năm sau chị P lên kế hoạch chỉ chi tiền mừng trong mức 2 triệu, tuỳ từng mức độ thân quen mà có những phong bao lì xì với các mức tiền khác nhau, để không rơi vào tình huống bị động như năm đầu về quê chồng ăn Tết. Thế mới thấy, chuyện lì xì ngày tết với nhiều người không hề đơn giản, có khi đó còn là nghệ thuật ứng xử sao cho khéo léo để không bị mang tiếng chuyện hơn thua.
Tác giả: Văn Anh
Nguồn tin: emdep.vn