Giáo dục

Nâng cao chất lượng GD qua dạy và học chữ Mông ở vùng cao Nghệ An

Nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An triển khai dạy chữ Mông cho HS tiểu học dân tộc Mông ở các huyện vùng cao. Say mê khi được học chữ viết của dân tộc mình, các em HS mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp với thầy cô. Ngược lại, các thầy cô giáo cũng hiểu học trò hơn, qua đó nâng cao chất lượng công tác dạy – học.

GIAO DUC

Hào hứng được học chữ viết dân tộc mình

Lớp học chữ Mông của trường Tiểu học Huồi Tụ, huyện vùng cao Kỳ Sơn được tổ chức vào ngày thứ 7 hằng tuần. Các em HS chăm chú nghe thầy cô giáo giảng, và cúi xuống nắn nót từng nét chữ, chỉ cho nhau xem viết đã đúng chưa. Không khí lớp học rất sôi nổi hào hứng.

Thầy giáo Trần Danh Hanh, giáo viên Trường Tiểu học xã Huồi Tụ cho biết: Những lớp học này là lớp dạy chữ viết dân tộc Mông, chứ không phải dạy tiếng. Bản thân tiếng Mông vốn là tiếng mẹ đẻ của các em, vì thế HS tiếp xúc với chữ viết rất nhanh và tiến bộ rõ rệt. Thậm chí có những chữ các em có thể dựa vào câu nói, ngữ cảnh mà đoán ra nghĩa.

Còn tại trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, 100% HS của trường là đồng bào dân tộc Mông ở những bản làng chỉ nghe tên thôi đã thấy xa xôi: Nậm Tột, Huồi Mới, Mường Lống… Đây là trường học thuộc diện khó khăn nhất huyện và hàng chục năm qua chỉ toàn các thầy mới trụ nổi làm giáo viên cắm bản. Tuy nhiên, mọi hoạt động dạy học của trường luôn được thực hiện nghiêm túc, nề nếp, hiệu quả. Đặc biệt, việc dạy chữ Mông đã được trường sớm thực hiện một cách bài bản từ năm 2006. Cũng như ở trường tiểu học Huồi Tụ, lớp dạy chữ Mông được triển khai cho các em HS từ các lớp 3, 4, 5, mỗi tuần 4 tiết theo chương trình sách do Bộ GD&ĐT cung cấp.

Thầy Lang Văn Nhàn – Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, lợi thế nhất trong việc dạy chữ Mông chính là ở các em HS rất đam mê, thích thú và phấn khởi với việc học viết chữ dân tộc mình. Nhiều em học rất chăm chỉ và chỉ sau thời gian ngắn đã nắm hết bảng chữ cái, viết đúng chính tả và tập làm các đoạn văn.

Anh Lỳ Chua Và (bản Huồi Mới 1) có 2 con là Lỳ Bá Cô và Lỳ Y Sinh đang học tại trường Tiểu học Tri Lễ 4 nói: Ở trường chúng nó được dạy chữ Mông ta đó, về nhà nó còn chỉ cho bố nữa. Còn cậu bé Lỳ Bá Cô thì vui vẻ khoe: “Nhờ được các thầy cô giáo dạy cho, em đã biết viết được chữ Mông rồi, nhiều bài hát, nhiều đoạn thơ em cũng đã viết thành chữ được.

Ở trên lớp, nhiều khi không hiểu bài, không biết hỏi bằng tiếng Việt, em hỏi bằng tiếng Mông, các cô cũng biết và giảng bài lại cho em, nên em thấy rất vui. Về nhà em cũng tập viết cho bố mẹ xem”.

Việc dạy chữ Mông cho con em đồng bào dân tộc này ở các trường tiểu học, đã phụ trợ rất lớn cho cô và trò trong việc dạy và học văn hóa. Đồng thời, góp phần bồi dưỡng, giữ gìn bản sắc người Mông, bởi tiếng nói và chữ viết còn duy trì và phát huy, thì dân tộc đó sẽ còn tồn tại với đầy đủ các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần.

Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ dạy chữ DTTS

Năm học 2005 - 2006 là năm học đầu tiên, tỉnh Nghệ An thực hiện dạy tiếng Mông cho HS tiểu học dân tộc Mông, đến nay đã triển khai tại các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Chương trình dạy học theo sách giáo khoa dân tộc thiểu số do Bộ GD&ĐT ban hành. Trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tế, Phòng GD&ĐT và các huyện miền núi cũng “vào cuộc” xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dạy Mông.

Những năm gần đây, cứ vào mùa hè, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn lại mở lớp bồi dưỡng chữ viết người Mông. Đối tượng tham gia lớp học là người Mông đã biết qua chữ viết của dân tộc mình, và các thầy cô giáo dạy tại địa bàn người Mông vừa học tiếng nói vừa học chữ viết.

Theo cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Cắn 1 – nơi có hơn 70% HS là người dân tộc Mông - cho biết: Hiện nay, nhằm đảm bảo chất lượng dạy chữ Mông cho các em HS, 100% các thầy cô giáo đều đã có chứng chỉ tiếng Mông do Trung tâm GDTX huyện Kỳ Sơn đào tạo. Bên cạnh đó, trường còn có thầy hiệu phó Lầu Bá Tu, là người Mông, và cũng là một trong những người chịu trách nhiệm đào tạo tiếng Mông cho các thầy cô giáo trong huyện. Vì thế, trong tổ chức xây dựng chương trình bộ môn tiếng dân tộc Mông, các tài liệu dạy học cần thiết, tổ chức trò chơi, các bài hát truyền thống cho các em HS trong trường rất thuận lợi.

Trao đổi với ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An, ông cho biết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm học 2005 - 2006 tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã tiến hành đưa chữ vào giảng dạy trong các trường tiểu học có HS dân tộc Mông. Mục tiêu nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết, thể hiện bản sắc văn hóa của từng dân tộc, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp thu các môn học khác, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo vùng dân tộc và miền núi.

“Qua việc dạy học chữ Mông, các thầy cô hiểu học trò hơn, giảng dạy tốt hơn, còn các em, rất say mê, thích thú với chữ viết của dân tộc mình, đó là điều đáng mừng, qua đó, tăng sự tiếp xúc với thầy cô, tăng kênh giao tiếp, truyền đạt suy nghĩ, và học tập có hiệu quả hơn” - ông Trần Thế Sơn khẳng định.

Tác giả bài viết: Hồ Lài/Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok