Kinh tế

Năm trọng tâm, 10 nhiệm vụ ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam

Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 kế thừa khung phân tích, cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của Đề án tái cơ cấu tổng thể. Nội dung, cách thức đổi mới hệ thống động lực và phân bổ nguồn lực xã hội tập trung vào 5 trọng tâm và 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên.

Tại phiên họp thường kỳ quý III/2016 của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến đóng góp về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 -2020, việc ưu tiên tái cơ cấu kinh tế tập trung vào việc tiếp tục cải cách vai trò của Chính phủ và chuyển đổi nền kinh tế.

Hai chiến lược trọng tâm được xác định trong Đề án là: Chính sách cạnh tranh toàn diện (bao gồm cả vai trò tham gia trực tiếp của Nhà nước trong nền kinh tế) - tăng cạnh tranh thị trường ở những nơi đã có thị trường và tạo ra thị trường ở những nơi chưa có thị trường; Chính sách ngành - ưu tiên phát triển trọng điểm các ngành ưu tiên.

Qúa trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam 2016-2020


Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016 - 2020 bao gồm 5 nội dung chủ yếu và các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên.

Cụ thể, 5 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, gồm: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài); tái cơ cấu hợp lý khu vực kinh tế Nhà nước (gồm doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, dịch vụ công); tái cơ cấu thị trường tài chính (các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán); tái cơ cấu ngành và vùng kinh tế; tái cơ cấu các thị trường nhân tố sản xuất quan trọng (thị trường đất đai, lao động và khoa học công nghệ).

Đề án đề cập đến 10 nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế có tính ưu tiên cao cần được tập trung nguồn lực thực hiện, gồm: Thứ nhất, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệm tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Thứ 2, kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt.

Thứ 3, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công.

Thứ 4, tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường.

Thứ 5, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các tổ chức tín dụng (quy định chuẩn hóa về vốn, tiêu chuẩn an toàn vốn tối thiểu - PV).

Thứ 6, mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm.

Thứ 7, hiện đại hóa công tác quy hoạch và kế hoạch.

Thứ 8, tập trung phát triển và tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, dựa trên các sáng kiến và dự án đề xuất, thực hiện bởi khu vực doanh nghiệp.

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam tập trung vào 5 trọng tâm và 10 nhiệm vụ ưu tiên


Nhiệm vụ thứ 9, khuyến khích mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương trở lên, theo các quy định sản xuất xanh - sạch - phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản và bảo đảm chất lượng nông sản trên thị trường.

Nhiệm vụ ưu tiên thứ 10, bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả.

Đền án nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc là tái cơ cấu phải đi liền với bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, bên cạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong chỉ đạo và điều hành kế hoạch hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ luôn nỗ lực đạt được mức tăng trưởng hợp lý để bù đắp về các vấn đề an ninh xã hội.

Ngoài ra, các đánh giá định lượng tác động của việc tái cơ cấu kinh tế đều cho thấy tác động tích cực đối với tạo việc làm và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người. Vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được thể hiện ưu tiên trong Đề án…

Tác giả bài viết: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok