Hai ngày sau khi cứu được người đàn ông mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng lũ, Phạm Bá Huy (26 tuổi, trú xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã hồi phục sức khỏe. Câu chuyện Huy bất chấp hiểm nguy, cứu người trong lũ dữ khiến người dân xuýt xoa, nể phục.
Cuộc giải cứu nghẹt thở
Nam thanh niên kể sáng 3/8, lực lượng chức năng cùng nhiều người dân đổ ra dọc sông Luồng tìm kiếm nhiều người ở bản Sa Ná (xã Na Mèo) mất tích do bị lũ cuốn. Tại đoạn chảy qua bản Bo Hiềng (xã Na Mèo), họ phát hiện ông Lương Văn Chon (54 tuổi, bản Sa Ná) mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng lũ, cách bờ khoảng 60 m.
"Người hùng" Phạm Bá Huy. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Hơn 200 người gồm công an, biên phòng, dân quân và người dân địa phương đến hiện trường bàn phương án giải cứu nạn nhân. Lúc này, anh Huy cũng chạy ra, đội mưa theo dõi cuộc giải cứu. Xưởng gỗ sản xuất đũa, nơi thanh niên này làm việc, nằm gần hiện trường.
Cơ quan chức năng đưa ra nhiều phương án như quăng dây thừng, kết bè từ cây luồng để tiếp cận vị trí ông Chon nhưng đều bất thành.
Sau đó, nhà chức trách đưa ra cách cắt một đầu dây cáp (dây này bắc qua sông từ trước) kéo về vị trí ông Chon để cho một người đu dây ra giải cứu. Dòng nước chảy cuộn xiết nên việc tìm được người dạn dày kinh nghiệm bơi lội, phù hợp cho việc giải cứu là rất khó.
Đến 14h, anh Huy quyết định xung phong buộc dây thừng vào người, lần theo dây cáp tiếp cận nạn nhân. Anh mặc áo phao và được mọi người buộc can nhựa.
Khu vực sông nơi người đàn ông bị mắc kẹt giữa dòng lũ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Mất 15 phút vùng vẫy đu dây, anh Huy mới tiếp cận được vị trí ông Chon. Trên bờ, hàng trăm người nghẹt thở dõi theo từng hành động của anh.
“Đến nơi, tôi nhìn thấy ông Chon đã kiệt sức, run rẩy vì lạnh, đói và chống chọi với cơn lũ suốt nhiều giờ để giữ mạng sống. Tôi có nói với ông là phải bình tĩnh để cháu cứu bác”, anh Huy kể.
Tiếp đó, anh phải mất 1 giờ đồng hồ để xoay xở trên ngọn cây và cột dây cáp vào người ông Chon cho mọi người kéo lên. Dòng lũ dữ vẫn chảy cuộn xiết. Người thanh niên nói nếu chỉ cần một chút sơ sẩy thì cả hai sẽ bị cuốn phăng.
Nhưng rất may không có sai lầm nào xảy ra. Nạn nhân được đưa lên bờ an toàn và chuyển đến bệnh viện chăm sóc.
"Nghĩ mình có kinh nghiệm bơi lội nên cứu người"
Tuy nhiên, khi Huy chưa trở vào bờ thì dây cáp bị đứt. Huy lại trở thành nạn nhân mắc kẹt giữa dòng lũ. Cậu định nhảy xuống bơi vào bờ nhưng mọi người hò hét khuyên không nên và chờ lực lượng cứu hộ.
Gần 3 giờ đồng hồ sau, chàng trai cảm thấy lạnh và kiệt sức. Trong khi đó, trời đã dần tối và mực nước càng lúc càng dâng cao.
“Nghĩ không còn cách nào khác, tôi quyết định khởi động làm nóng chân tay rồi lao xuống dòng nước bơi vào bờ”, Huy kể lại thời khắc sinh tử.
Huy mặc áo phao vật lộn với cơn lũ để cứu người. Ảnh: Q. An. |
Trong dòng nước cuộn xiết, anh cố bơi thật nhanh và xuôi theo vào phía bờ bên kia. Hàng trăm người theo dõi chỉ cảm thấy thở phào nhẹ nhõm khi thấy anh đã lên bờ an toàn.
Sau đó, Huy lên chòi của người dân làm ruộng trú và ở lại. Cả đêm đó, chàng trai mới cảm thấy mệt mỏi, ê ẩm khắp người. Anh được người dân bản Bo Hiềng chăm sóc và nấu cơm cho ăn.
Về quyết định vượt lũ cứu người, chàng trai có thân hình vạm vỡ, nước da đen xạm, nói: "Tôi sinh ra ở vùng sông suối, có kinh nghiệm bơi trong mực nước chảy mạnh và từng được huấn luyện trong quân đội nên quyết định tham gia cứu người thôi".
Theo chính quyền địa phương, anh Huy sống cùng mẹ già và con gái 8 tuổi. Hoàn cảnh gia đình anh thuộc diện khó khăn. Sáng 4/8, UBND huyện Quan Sơn đã biểu dương, khen thưởng hành động quên mình cứu người của anh.
Do ảnh hưởng của bão số 3, Thanh Hóa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có 3 người chết, 13 người mất tích. Hơn 200 căn nhà ở địa phương này bị thiệt hại, hư hỏng. |
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: zing.vn