“Hầu như tất cả các vụ án xảy ra đều có dấu vết sinh vật (chủ yếu từ cơ thể người như lông, tóc, chất bài tiết, dịch tiết…) để lại. Các dấu vết sinh vật là hữu cơ, nếu không thu thập nhanh rất dễ bị phân hủy”, Trung tá Toàn cho biết.
Ít người biết, nhờ những dấu vết thu được từ hiện trường mà vụ án đốt xác nữ sinh viên Đào Thị Huệ (quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã mau chóng được khám phá. Tuy cô gái xấu số không thể nói được gì nhưng những chứng cứ khoa học đã vạch trần kẻ thủ ác.
Theo hồ sơ, tối 3/9/2008, những người ở phường Trung Hòa (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) phát hiện một xác người bị đốt cháy co quắp, gần khu đất dự án Đông Nam. Ngay sau đó, Công an Quận Cầu Giấy, Công an TP Hà Nội phối hợp cùng các bác sĩ, giám định viên Viện KHHS nhanh chóng nhập cuộc, truy tìm hung thủ.
Nơi phát hiện xác chết là khu vực đất dự án nên cách xa khu dân cư, không có nhân chứng nào biết chính xác thời điểm xảy ra vụ việc. Toàn bộ dấu vết hầu như đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Ngay cả xác người cũng rất khó nhận diện. Đặc biệt, sau khi sự việc xảy ra trời đổ mưa nên hiện trường đã bị xáo trộn. Các giám định viên phải cậy từng viên gạch để tìm manh mối.
Kết quả khám nghiệm tử thi, xác định ADN mẫu xương cho thấy, xác chết là nữ, bị nhét trong một chiếc va li có khóa kéo kích thước 80 x 60 x 40 cm, đã bị cháy đen toàn thân, có độ tuổi từ 20-30, cao khoảng 1,5 m, tóc nhuộm nâu dài chấm vai...
Từ đống tro tàn, các giám định viên đã phát hiện những chứng cứ “biết nói”. Chất dịch thu được từ “vùng kín” của cô gái có tinh trùng, chứng tỏ cô ấy đã có quan hệ tình dục. Cũng trong đống tro tàn, qua giám định còn có cả sách vở song ngữ tiếng Hàn bị đốt.
Từ những tình tiết này hướng CQĐT xác định, cô gái có thể liên quan đến chuyện dạy và học với một người Hàn Quốc và cô ta là sinh viên. Tiến hành rà soát các nữ sinh Khoa tiếng Hàn (Trường ĐH Hà Nội), đã tìm thấy nữ sinh Đào Thị Huệ mất tích. Việc giám định gen của nạn nhân và gen của bà Đào Thị Thu (mẹ của Huệ) cho kết quả trùng hợp.
3 chìa khóa thu được ở hiện trường cũng chính là chìa khóa khu nhà trọ của Huệ. Những mối quan hệ của Huệ cũng được xác minh, trong đó có một thanh niên Hàn tên là Kim Ki Jong (SN 1982), sang Việt Nam với mục đích tìm việc làm. CQĐT đã tiến hành giám định ADN mẫu tinh trùng thu được trong người Huệ trùng với mẫu thu được từ Kim Ki Jong.
Trước những chứng cứ không thể chối cãi, tên này đã cúi đầu nhận tội. Kẻ tự nhận là học trò tiếng Việt và nhân danh tình yêu với cô giáo của mình, vì ghen tuông tình ái, đã bóp cổ người tình cho đến chết sau khi ân ái và đem xác đi đốt phi tang.
Qua giải phẫu tử thi, các bác sĩ, giám định viên xác định nguyên nhân Huệ chết là “ngạt cơ học cấp”, và Huệ chết trước khi bị đốt. Điều này phù hợp với lời khai của Kim, rằng Kim bóp cổ Huệ. Đến khi biết Huệ chết, Kim bẻ gập xác người yêu, giấu vào valy rồi cầm 3 chai nhựa đi mua xăng.
Sau đó, Kim vẫy taxi đưa chiếc valy đến khu đất trống trên đường Hoàng Minh Giám - phường Trung Hòa, tưới xăng, châm lửa đốt xác… Những tưởng ngọn lửa sẽ xóa đi tất cả bằng chứng tội ác của mình, nhưng hắn không thể ngờ được rằng, chỉ từ vài manh mối nhỏ được lực lượng khám nghiệm hiện trường tìm thấy, hắn đã phải trả giá.
Lịch sử của giám định gen thế giới được biết đến từ năm 1985. Tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1999, Phòng thí nghiệm giám định ADN (nay là Trung tâm giám định sinh học pháp lý) của Viện KHHS đi vào hoạt động từ khoản kinh phí thuộc Dự án DA07. Để chuẩn bị cho sự ra đời của chuyên ngành mới này, đã có 6 cán bộ của Viện được cử đi đào tạo nghiệp vụ tại Australia trước đó hơn một năm. Từ đó cho đến nay, Trung tâm giám định sinh học pháp lý đã trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, giám định..., góp phần làm rõ hàng ngàn vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Hiện, các trang thiết bị, hệ thống máy móc dành cho công tác giám định của Trung tâm được coi là hiện đại bậc nhất trong khu vực. Để công tác giám định gen phát huy hơn nữa vai trò trong công tác phòng chống tội phạm, đơn vị đang xây dựng tàng thư gen tội phạm quốc gia, đã thu và phân tích 30.000 mẫu. Viện KHHS đã và đang tiến hành với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và công an các địa phương trên toàn quốc trong việc thu thập, khai thác tàng thư gen. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ tạo hành lang pháp lý quy định về việc thu mẫu bắt buộc đối với các đối tượng hình sự khi phạm tội bị cơ quan công an bắt giam và các đối tượng đang thi hành án trong các trại giam nhằm phân tích gen và lưu trong tàng thư gen tội phạm. |
Tác giả bài viết: Thu Hồng – Lê Thành – Tú Nhi
Nguồn tin: