Tổng thư ký Lê Mạnh Linh, người vừa xuất sắc giành học bổng của 3 đại học danh giá trong khối Ivy League" - một câu giới thiệu ngắn trên tấm giấy mời nhanh chóng khiến người đọc chú ý.
Sau khi kết nối thành công, cuộc phỏng vấn nhanh với Mạnh Linh diễn ra ngay ở hành lang, nơi tổ chức chương trình mà cậu làm tổng thư ký. Linh lễ phép mong phóng viên thông cảm chịu nóng, bởi nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội khi đó lên tới gần 40 độ, để không ảnh hưởng đến các nhóm học sinh đang tranh luận sôi nổi trong phòng.
Ấn tượng đầu tiên về Mạnh Linh là phong thái điềm tĩnh, đĩnh đạc trong bộ đồ vest. Ở tuổi 17, nam sinh trò chuyện từ tốn, mạch lạc và đầy tự tin. Điều này khiến người đối diện bất ngờ khi biết cậu từng khổ sở vì tật nói lắp những năm đầu học cấp 3.
'Tôi thà nói chuyện với người chết còn hơn nghe em nói'
Đó là lời một thầy giáo nói với Mạnh Linh khi cậu bị tật nói lắp, luôn gặp khó khăn trong việc diễn tả suy nghĩ của mình bằng lời nói cho người khác hiểu.
Câu nói không khiến Linh buồn hay suy sụp mà nghiêm túc nhìn lại mình. Cậu đặt ra mục tiêu đối diện với điểm yếu này để tiến tới hoàn thiện bản thân. 10X cố gắng viết thật nhiều, nói ra thành tiếng, nhiều khi tự nói với chính mình.
"Mình học cách dừng lại, ngẫm nghĩ về những gì đang thể hiện để tự rút ra nhận xét bản thân đã tiến bộ chưa hay vẫn trốn tránh sai sót. Trong quá trình luyện tập để nói tốt hơn, mình cũng hình thành suy nghĩ liền mạch và hiểu bản thân hơn", Mạnh Linh chia sẻ với Zing.vn.
Mạnh Linh mới tốt nghiệp THPT chuyên Hà Nội - Amstrerdam và sắp trở thành sinh viên ĐH Yale, Mỹ. Ảnh: IVMUN. |
Vượt qua tật nói lắp, Mạnh Linh tham gia sôi nổi vào khâu tổ chức nhiều chương trình, hoạt động của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và bên ngoài.
Đó là tổng thư ký năm thứ hai liên tiếp của IVMUN (chương trình mô phỏng Liên hợp quốc); chủ tịch Hanoi - Amsterdam Model United Nations Association nhiệm kỳ 2016-2017; chủ tọa và trưởng phái đoàn tham dự UNIS MUN IX (Linh là chủ tọa đầu tiên đến từ một trường công lập ở Việt Nam); phó ban nội dung và chủ tọa hội đồng tại United Nations Vietnam Model Conference 2016.
Trong đó, chương trình IVMUN là nơi giúp Linh chứng kiến sự trưởng thành của bản thân và học hỏi kỹ năng trình bày ý tưởng, thuyết phục đám đông, quản lý nhân sự, điều phối công việc, kết nối các thành viên.
Mỗi lần diễn thuyết bằng tiếng Anh về các vấn đề bảo an Liên hợp quốc, kinh tế dầu mỏ thế giới, tranh chấp hàng hải... tại các phiên họp của IVMUN, Linh đều được tiếp thêm động lực từ những tràng pháo tay từ các bạn trẻ.
Mạnh Linh quan niệm khi mọi người sẵn sàng đóng góp cho xã hội, cộng đồng sẽ trở nên bền vững.
Trúng tuyển 3 đại học khối Ivy League
Là nhân tố hoạt động ngoại khóa sôi nổi nhưng Mạnh Linh không hề lơ là việc học chính.
Trong thời gian học tại THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Mạnh Linh từng giành giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm 2017, 2018; giải nhì thành phố năm 2017, 2018; thủ khoa và giải nhất thành phố môn tiếng Anh năm 2015; giải đặc biệt kỳ thi Toán học Australia quốc tế 2016.
Mạnh Linh cũng xuất sắc trúng tuyển 6 đại học của Mỹ, trong đó có 3 trường thuộc khối Ivy League gồm ĐH Yale, ĐH Pennsylvania, ĐH Dartmouth. Cả 3 ngôi trường đều dành cho cho Linh mức hỗ trợ tài chính lớn cho 4 năm học: ĐH Yale 292.000 USD, ĐH Pennsylvania 280.000 USD, ĐH Dartmouth 260.000 USD.
Mạnh Linh trúng tuyển 6 trường đại học của Mỹ. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, Linh còn trúng tuyển ĐH Amherst (cấp học bổng 280.000 USD), Walsh School of Foreign Service của ĐH Georgetown (trụ sở ở Mỹ) và ĐH Georgetown (trụ sở tại Qatar).
Mạnh Linh không mất nhiều thời gian suy nghĩ để lựa chọn ngôi trường sẽ trải qua 4 năm đại học là ĐH Yale.
Từ khi tìm hiểu về các trường đại học Mỹ, nam sinh đã thích Yale - ngôi trường thuộc hàng top 3 của Mỹ với tỷ lệ tân sinh viên được chấp nhận thấp nhất trong 8 trường Ivy League (chỉ 6% trong số hơn 35.500 hồ sơ đăng ký).
Đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều tổng thống Mỹ như Gerald Ford, George H. W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush.
"Mình thích Yale bởi trường rất cởi mở với học sinh từ mức hỗ trợ tài chính đến lựa chọn ngành học thoải mái, đa dạng. Mình cảm thấy môi trường ở đó gần gũi, mang tính chất hợp tác, bình đẳng", Mạnh Linh tâm sự.
Đặc biệt, Linh cảm động và đánh giá cao sự quan tâm của ĐH Yale dành cho mình khi đọc dòng thư tay của đại diện tuyển sinh nói rằng họ đề cao lối nghĩ đa chiều, sâu sắc của nam sinh.
Dự định của Linh là học ngành liên quan đến khoa học xã hội như Chính trị, Quan hệ quốc tế hay ngành đặc thù Luân lý học, Chính trị học, Kinh tế học. Sinh viên tốt nghiệp ngành kết hợp 3 lĩnh vực này sẽ có bàn đạp vững chắc để tham gia vào những vai trò quan trọng trong xã hội.
Chuẩn bị sớm khi có ý định đi du học
Với điều kiện tài chính eo hẹp, cha mẹ Mạnh Linh xác định nếu con trai không trúng tuyển đại học nào của Mỹ, cậu sẽ học tại Việt Nam. Thương cha mẹ, Linh thường tự học hoặc tìm khóa học với chi phí thấp để trau dồi kiến thức.
"Mình có ý định đi du học Mỹ từ năm lớp 9. Mình tìm hiểu sâu qua nhiều nguồn về những yêu cầu hồ sơ du học Mỹ cần có. Thêm vào đó, mình cũng sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm để xây dựng hồ sơ", Mạnh Linh cho biết.
Bên cạnh việc thường xuyên viết ký sự, thơ bằng tiếng Anh, Linh học hỏi kinh nghiệm từ những người đã đi du học. Cậu cũng chủ động thi các chứng chỉ, tập viết luận và tham gia hoạt động ngoại khóa.
Mạnh Linh chủ động tìm hiểu thông tin du học Mỹ và chuẩn bị hành trang từ rất sớm. Ảnh: NVCC. |
Linh tiết lộ điểm chuẩn hóa trong hồ sơ nộp vào các trường đại học Mỹ của mình là 120/120 TOEFL, 35/36 ACT, 800/800 các môn SAT 2 Toán, Lý, Hóa, 760/800 môn SAT 2 Sinh và 750/800 môn SAT 2 Văn.
Bài luận đưa Mạnh Linh tới với nền giáo dục Mỹ nói về việc cậu đã phát hiện nhiều điều thú vị qua sự việc mọi người cho là bình thường như những chuyến tàu tuổi thơ gia đình buộc phải đi vì giá rẻ.
Sở hữu bảng thành tích học tập ấn tượng nhưng Mạnh Linh khẳng định cậu không dành hết thời gian vùi đầu vào sách vở. Nam sinh không đặt ra ranh giới giữa học và giải trí vì cậu luôn tìm được cách học lúc thư giãn và ngược lại.
Nam sinh Ams nhan hoc bong 6,7 ty dong tu DH top 3 tai My hinh anh 4
Mạnh Linh không thần tượng ai vì muốn lấy chính mình là mục tiêu. Ảnh: NVCC.
"Mình thường nghe nhạc, đọc sách, xem thể thao và luôn tự nhủ những việc tưởng chừng như là chơi như thế luôn chứa nhiều bài học để mình tìm tòi nếu chịu khó quan sát", Mạnh Linh tiết lộ.
Linh chia sẻ cậu không thần tượng ai vì muốn lấy chính mình là mục tiêu.
Tuy nhiên, 10X luôn dành thời gian, sự quan tâm cho gia đình, thầy cô, bạn bè bởi mỗi người đều là nguồn cảm hứng để cậu tiếp tục cố gắng và phát triển bản thân.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Lê Mạnh Linh cho biết chưa xác định làm việc ở ngành nào. Cậu nghĩ ngành đó sẽ liên quan tới khoa học xã hội và bao gồm 3 yếu tố chính là đem lại giá trị nhân văn, nhân đạo cho con người và cộng đồng; luôn thúc đẩy cậu học hỏi, tìm kiếm cái mới; yêu cầu sự sáng tạo, mới mẻ.
Mạnh Linh cũng không đắn đo khi nói rằng dự định của cậu sau khi tốt nghiệp ở Mỹ là trở về Việt Nam.
"Hãy luôn chủ động trong việc học và tìm hiểu bản thân. Sự chủ động không chỉ là thái độ tự giác tìm kiếm cái mới, mà còn là hiểu rõ bản thân mong muốn gì, mạnh gì, yếu gì và nên làm gì. Sự chủ động cũng là yêu thích và sẵn sàng làm những điều mình tin tưởng. Khi chủ động, bạn sẽ làm chủ số phận và có thể chạm đến đỉnh cao mình mong muốn", Mạnh Linh đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ ở lứa tuổi của mình.
Tác giả: Thu Thảo
Nguồn tin: zing.vn