Trong 1 vài năm trở lại đây, nhiều tín đồ làm đẹp Việt bắt đầu tìm đến các sản phẩm có chứa retinoid như 1 "chìa khóa vàng" để giải quyết nhiều vấn đề của da. Dựa trên cơ chế kích thích quá trình trao đổi chất của các tế bào, thúc đẩy da sản sinh collagen, retinoid sẽ giúp cải thiện nếp nhăn, vết chân chim, làm đều màu da, chống lão hóa và trị mụn.
Tuy nhiên khi sử dụng, retinoid có thể khiến da khô rát, bị kích ứng, trở nên bong tróc và nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Đây là tác dụng phụ của retinoid mà hầu như ai cũng gặp phải, nếu không tìm phương pháp giải quyết đúng cách thì làn da của bạn sẽ bị tổn thương, trở nên tệ hơn cả lúc chưa dùng retinoid. Nếu bạn đang sử dụng hoặc có ý định dùng hoạt chất này vậy thì đừng bỏ qua trọn bộ bí kíp sử dụng retinoid của các bác sĩ da liễu dưới đây.
1. Dưỡng ẩm trước khi dùng retinoid
Theo bác sĩ da liễu Ava Shamban, đang là chủ phòng khám SkinxFive, cho biết "Làn da được dưỡng ẩm kỹ lưỡng sẽ có hàng rào tự bảo vệ tốt hơn", điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế những kích ứng mà retinoid có thể gây ra. Do đó trước khi quyết định sử dụng retinoid, bạn hãy luôn đảm bảo rằng mình đã có 1 chu trình dưỡng ẩm kỹ lưỡng cho da. Ít nhất 1 tuần trước khi bắt đầu với retinoid, bạn hãy bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày để đem lại làn da khỏe mạnh nhất.
Thêm vào đó, trong quá trình sử dụng retinoid bạn hãy thoa kem dưỡng ẩm lên da, sau đó mới thoa retinoid. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa những tác dụng phụ mà retinoid có thể gây ra. Cũng theo bác sĩ Ava, loại kem dưỡng ẩm phù hợp nên là những loại có thành phần phục hồi da như hyaluronic acid, ceramide, các chất chống oxy hóa, peptide…
Bác sĩ Shamba gợi ý bạn có thể sử dụng kem dưỡng Avene Skin Recovery Cream (giá gốc: 570.000VNĐ/50ml) hoặc Neutrogena Hydro Boost Hyaluronic Acid Gel Face Moisturizer (giá gốc: 365.00VNĐ/48g).
2. Bắt đầu thật chậm, không sử dụng liên tiếp hàng ngày
Không giống như kem chống nắng, với retinoid bạn không nhất thiết phải sử dụng hoạt chất này mỗi ngày. "Bắt dầu sử dụng retinoid thật chậm với tần suất 2 lần/tuần và sau đó khi da đã quen dần và không còn bị kích ứng thì bạn dần tăng tần suất cho đến khi có thể dùng đều mỗi ngày" – Bác sĩ Michele Green, chủ phòng khám Michelegreenmd cho biết.
Ngoài ra, thời điểm sử dụng retinoid thích hợp nhất là vào buổi tối, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của ánh nắng mặt trời.
3. Khi bị mẩn đỏ, hãy thay đổi chu trình chăm sóc da của bạn
Trong 1 tháng đầu tiên khi sử dụng retinoid, làn da của bạn có thể trở nên nhạy cảm, kích ứng hơn so với bình thường. Lúc này bạn nên xem xét lại chu trình làm sạch và tẩy da chết của mình. Cũng theo bác sĩ Shamba, bạn nên "sử dụng loại sữa rửa mặt thật dịu nhẹ sẽ giúp duy trì lượng dầu tự nhiên trên da, giảm thiểu tình trạng kích ứng có thể xảy ra".
Cetaphil Gentle Skin Cleanser (giá gốc 230.000VNĐ/473ml) là sản phẩm mà bác sĩ Shamba yêu thích.
Tiếp đó, bạn có thể từ bỏ tất cả các thể loại tẩy da chết, từ dạng mặt nạ, dạng lột hay dạng hạt. "Retinoid đã có khả năng tẩy tế bào chết tự nhiên cho da. Bởi vậy không cần thiết phải sử dụng thêm các sản phẩm tẩy da chết thông thường nữa" – bác sĩ Shamba cho biết. Thêm vào đó, bạn cũng nên tránh sử dụng retinoid cùng lúc với các sản phẩm tẩy da chết hóa học có chứa benzoyl peroxide, salicylic acid, hay glycolic acid vì nó có thể "quá tải" với da, khiến da kích ứng và mẫn cảm hơn.
4. Tăng cường sử dụng kem dưỡng ẩm
Dù đã dưỡng ẩm rất kỹ lưỡng, nhưng retinoid vẫn có thể khiến da bạn bị bong tróc hay mẩn đỏ, khô ráp hơn bình thường. Lúc này bạn hãy tăng cường sử dụng thêm các loại kem dưỡng ẩm, đặc biệt bôi nhiều 1 chút ở những vùng da khô. Bác sĩ Shamba gợi ý bạn có thể sử dụng gel lô hội hoặc kem dưỡng CeraVe Hydrocortisone Anti Itch Cream (giá gốc: 204.000VNĐ/28g) để cải thiện điều này.
5. Hãy biết khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ
Retinoid có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề về da, đặc biệt là da lão hóa, tuy nhiên nó không phải chiếc chìa khóa đa năng. Hoạt chất này vẫn có người hợp người không, "nếu làn da của bạn bị đỏ bừng như 1 trái cà chua, vậy thì bạn nên dừng sử dụng retinoid và ngay lập tức đến gặp bác sĩ" – bác sĩ Shamab nhấn mạnh.
Tác giả: Twusly
Nguồn tin: helino.ttvn.vn