8 tháng học online và "cân não" trực tiếp hay trực tuyến!
Chưa bao giờ trong lịch sử ngành giáo dục, nhiều tỉnh thành phải "cân não" bởi chuyện học sinh đi học hay ở nhà học trực tuyến như năm 2021.
Lịch học được UBND nhiều tỉnh thành thay đổi hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Đặc biệt, chưa bao giờ học sinh có "kỳ nghỉ lễ 30/4- 1/5" dài như năm nay.
Theo lẽ thường, sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ, học sinh và thầy cô trở lại trường, hoàn tất năm học. Thế nhưng nhiều địa phương bất ngờ tái bùng dịch, học sinh nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đột ngột nghỉ học.
Các nhà trường bối rối vì chưa từng kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến. Nhiều tranh cãi đã nổ ra, một số trường học chấp nhận xét lên lớp cho học sinh, một số trường lại cải tiến, nâng cấp hệ thống internet để kiểm tra học kỳ và thậm chí tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến- điều mà những trường này chưa từng thực hiện từ trước đến nay.
Khắp nơi than con "mệt phờ" vì học trực tuyến (Ảnh: T. Hiền). |
Năm học cũ vừa qua, năm học mới lại đến với cảnh dịch bùng phát khắp nơi. Sau lễ khai giảng đặc biệt chưa từng có, hàng triệu học sinh trên cả nước cũng bắt đầu năm học mới theo một cách đặc biệt: học trực tuyến.
Nếu những năm trước, hình thức dạy học trực tuyến này chỉ phải áp dụng ở giai đoạn giữa và cuối năm học, khi học sinh đã có giai đoạn học trực tiếp từ trước, có điều kiện nắm những kiến thức cơ bản ban đầu, thì năm nay, lần đầu tiên việc dạy và học trực tuyến buộc phải triển khai ngay từ đầu năm học và với cả những cấp học cần thầy cô giáo phải cầm tay nắn từng nét bút: Học sinh lớp 1!
Vậy là 8 tháng, học sinh của nhiều thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM học online "trường kỳ". Khắp nơi than con "mệt phờ" vì học trực tuyến nhưng kỳ thực giáo viên cũng áp lực không kém.
Con "mệt phờ" nhưng giáo viên cũng kiệt sức
Trong một phỏng vấn mới đây của PV Dân trí, cô Hoàng Ngọc M., giáo viên cấp 2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: "Mình thức dậy vào lúc 6h15 sáng, tranh thủ dọn dẹp cửa nhà, "canh" đúng đến 7h25, tôi đánh thức cô con gái 7 tuổi dậy ăn sáng để kịp cho buổi học trực tuyến.
Con "yên vị" ngồi trước bàn học vào lúc 7h50, cũng là lúc tôi quay trở lại với chiếc máy tính và thực hiện công việc của mình - mở lớp, ổn định sĩ số và triển khai dạy online".
Theo chia sẻ của giáo viên này, mỗi ngày, trung bình cô dạy trực tuyến 6 tiết, chia theo khung giờ sáng, chiều.
Mặc dù đã được làm quen với việc dạy online từ năm học trước, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, cô giáo này vẫn tâm sự bản thân gặp không ít áp lực và khó khăn.
"Sau hơn 1 tháng kể từ ngày bắt đầu năm học mới, phụ huynh khắp nơi đều than con học online "mệt phờ" nhưng kỳ thực, giáo viên cũng vất vả và áp lực không kém, nhiều nhất là áp lực về tốc độ bài giảng.
Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên cấp 1 tại TP.HCM cho hay, gần đây mình hay lo âu, thấp thỏm, đầu óc cứ căng như dây đàn bởi việc chồng việc, ngày nào cũng làm việc từ 7h sáng đến gần 2h đêm. Thậm chí, công việc và âm báo tin nhắn Zalo còn theo tôi vào giấc ngủ, ám ảnh khôn cùng.
"Đôi khi, do quá căng thẳng, tôi cáu gắt, quát nạt con nhỏ. Nhiều lúc, con ngồi học trực tuyến ngay bên, tôi dịu dàng với học trò nhưng lại quay ra mắng con ầm ầm.
Gắn bó với nghề giáo 10 năm, chưa bao giờ tôi thấy kiệt sức như hiện tại. Tôi tin rằng, áp lực của việc dạy học online không phải chỉ của riêng tôi mà còn là tâm sự của rất nhiều giáo viên khác", cô Hòa nói.
Phụ huynh than con kiệt sức vì học trực tuyến nhưng kỳ thực giáo viên cũng áp lực không kém (Ảnh: M. Hà). |
Mong phụ huynh và học sinh thấu cảm
Mới đây, mạng xã hội tiếp tục đăng tải nhiều sự việc thầy giáo và học sinh "va chạm" nhau trong giờ học trực tuyến: Thầy giáo mắng học sinh "óc trâu"; học sinh đòi "solo" với thầy giáo…
Rõ ràng nếu nhìn nhận công bằng, lỗi bắt đầu từ cả hai phía. Tất nhiên cả giáo viên và học sinh đều có thể kiềm chế bản thân thì tốt hơn nhưng ở đây, có phần nào nguyên nhân của việc học trực tuyến kéo dài, thiếu tương tác trực tiếp, gây mâu thuẫn càng thêm nghiêm trọng.
Cô Trịnh Phương Dung, giáo viên ở Nam Định tâm sự, cô mong muốn sẽ nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu từ phía phụ huynh, học sinh cũng như Ban giám hiệu nhà trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh, lịch trình sinh hoạt, học tập, làm việc thay đổi; cha mẹ và các em học sinh chịu nhiều căng thẳng, nỗi lo.
Và những nhà giáo cũng không nằm ngoài vòng áp lực ấy. Do đó, sự bao dung và những lời góp ý chân thành trong thời điểm này sẽ giúp tất cả vượt qua muộn phiền.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho rằng, có nhiều cách lý giải cho việc bộc phát cơn giận của giáo viên.
Trong đó, nhiều trường hợp đằng sau sự tức giận là sự "đổ lỗi" của giáo viên, cho rằng sinh viên ấy cố tình làm như vậy.
Cảm giác tức giận đó có thể bắt đầu từ việc đơn giản như "cáu tiết", "nóng mặt" và cao nhất là nổi điên đến mức mất kiểm soát hành vi dẫn đến những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguyên nhân của những cơn giận này có thể do thầy cô có nhiều căng thẳng trong cuộc sống; từ quá tải với hạn deadline dày đặc, không phân bố đủ thời gian cho công việc và chăm sóc con cái trong gia đình; ngược lại công việc thì nhàm chán lặp đi lặp lại trong một không gian bé tí, chịu áp lực cách ly với giãn cách… nên xảy ra tình trạng "giận cá chém thớt".
Về phía sinh viên, theo PGS Trần Thành Nam, ngoài vấn đề sinh viên hay học sinh xúc phạm giáo viên là do tính cách, đạo đức, có thể nhiều sinh viên cố tình "cài" để "trả đũa" giáo viên.
Sinh viên, học sinh có thể sẽ trả đũa bằng nhiều hình thức khác nhau, như gửi các thông điệp công kích, thô lỗ, và tin nhắn xúc phạm hay để bạo hành, lạm dụng; viết những bình luận, bức hình làm khó chịu hay gây xấu hổ trong các phòng trò chuyện trên mạng; gây khó chịu rõ ràng hạ uy tín của giảng viên.
Một số sinh viên còn nghĩ ra cách gửi các thông tin giả mạo, cắt ghép gây tổn hại và không đúng sự thật về giảng viên; chia sẻ hình ảnh với mục đích chế giễu, lan truyền các tin đồn và lời thị phi không đúng sự thật về giảng viên…
"Những hành động này thực sự là vấn đề nghiêm trọng, có thể liệt vào nhóm hành vi tấn công mạng", PGS Trần Thành Nam khẳng định.
Muốn yêu thương học trò, trước hết giảng viên phải biết yêu thương, chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình (Ảnh: Minh họa). |
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cũng cho rằng, trước căng thẳng nào đó, chúng ta thường có 3 phản ứng: Chiến- Biến- Tê liệt.
Trong đó, "chiến" là hành động bằng tay chân hoặc sử dụng lời nói mất kiểm soát. "Biến" là trốn chạy nỗi lo, lơ là các trách nhiệm cần có của một giảng viên. "Tê liệt" hay đông cứng, là suy giảm năng lực sư phạm, không còn tư duy hoặc ra quyết định đúng đắn được nữa.
Điều này lý giải vì sao có nhiều giáo viên/giảng viên đứng trước sự xúc phạm, thậm chí sai sót nhỏ của sinh viên đã bộc phát cơn giận ngay tức thì, dẫn đến mất kiểm soát cảm xúc.
Trong khi đó, trước những hành vi "khiêu khích" leo thang của sinh viên nhưng nhiều người vẫn rất bình tĩnh.
Để sự việc được giải quyết nhẹ nhàng hơn, theo chuyên gia Trần Thành Nam, giáo viên muốn kiểm soát cơn giận, trước hết phải hiểu và thông cảm với nguyên nhân đằng sau hành vi của các em.
"Giáo viên giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, hỏi lại sinh viên, lắng nghe sinh viên trả lời…, dần dần sự tức giận bực bội trong thâm tâm giảm xuống và vấn đề sẽ được giải quyết nhẹ nhàng hơn.
Đặc biệt, bài học cho những giảng viên/giáo viên nói riêng, muốn yêu thương học trò, trước hết phải biết yêu thương, chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính bản thân mình", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Tác giả: M. Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí