Đẹp

Nám da do dùng mỹ phẩmda không rõ nguồn gốc

Nghe theo những lời quảng cáo trên internet, nhiều người chấp nhận dùng mỹ phẩm trôi nổi với mong muốn điều trị thật nhanh chóng. Hậu quả là tình trạng nám da ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó điều trị.

Da mặt bệnh nhân sau khi dùng kem bôi không rõ nguồn gốc - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Da bị hủy hoại do bôi kem trộn

Chị T.P.T (26 tuổi, ngụ Đắk Lắk) bị sạm đen toàn bộ vùng mặt, cổ, bề mặt loang lổ, ngứa nhiều, sẩn viêm, mụn mủ và xước do gãi. Chị T. cho biết, trước đó thấy da mặt bắt đầu xuất hiện một vài đốm nám nhỏ, chị đã tự điều trị bằng một loại kem trộn được quảng cáo trên mạng, không rõ nguồn gốc. Sau vài ngày thoa kem này, chị bị ngứa rát nhẹ, bong vảy vùng mặt và cổ. Thấy da “xuống cấp”, lo lắng, chị T. đến một spa gần nhà để… chữa. Tại đây, chị được “trị liệu” bằng thuốc thoa và kem bôi cũng không rõ xuất xứ. “Khi thoa loại thuốc này, tôi thấy mặt ngứa nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì sử dụng theo chỉ dẫn của spa. Sau vài tuần, tình trạng ngứa tăng lên và da mặt càng ngày càng sạm đen, xuất hiện thêm nhiều mụn mủ, sẩn viêm”, chị T. kể.

Chịu không nổi, chị T. đến chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD), được chẩn đoán ban dạng trứng cá và tăng sắc tố sau viêm trên nền bệnh nám da do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Chị được bác sĩ điều trị bằng thuốc bôi, thuốc uống, chống nắng và sử dụng laser picosecond. Sau 8 tuần, tình trạng da của chị T. mới dần được cải thiện, hết ngứa, sẩn viêm và mụn mủ.

Cần điều trị chuyên khoa

Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BV ĐHYD: Nám da là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ ngoài tuổi 30. Ở VN, tỷ lệ nám da có xu hướng tăng khoảng 60 - 70% và ngày càng trẻ hóa. Nám da là tình trạng tăng sắc tố melanin quá mức, vùng da mặt hình thành từng mảng đậm màu. Nám da hình thành do nhiều yếu tố, trong đó có di truyền, nội tiết, tác dụng của tia cực tím… Các vết nám thường xuất hiện ở vùng mặt gây mất thẩm mỹ, thiếu tự tin, gây mặc cảm trong giao tiếp.

“Nguy hiểm hơn, với mong muốn điều trị nhanh chóng, không ít trường hợp người bệnh đã nghe theo những quảng cáo trên mạng, sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường khiến tình trạng nám da trở nên nghiêm trọng, khó điều trị hơn”, bác sĩ Vân Thanh đánh giá.

Ghi nhận tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BV ĐHYD, nhiều bệnh nhân đến đây khám trong tình trạng da mặt bị viêm nhiễm, hư hại và cho biết đã qua sử dụng các loại mỹ phẩm được rỉ tai, rao bán trên mạng, các loại kem trộn gắn mác “gia truyền”, “nhà làm”.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Khánh Nam, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, BV ĐHYD, nhận định: Các loại mỹ phẩm trôi nổi hoàn toàn không mang lại hiệu quả mà ngược lại sẽ làm da khô, sần sùi hoặc tăng tiết dầu khiến tình trạng nám nặng nề hơn, thậm chí gây kích ứng, dị ứng da. “Để điều trị nám da cũng như khắc phục các trường hợp biến chứng do thoa các loại mỹ phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc, bệnh nhân phải điều trị lâu dài kết hợp ý thức chăm sóc da đúng cách. Tùy vào mức độ nám mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị bao gồm thuốc và sử dụng các máy laser tiên tiến. Thông thường, sau 4 - 6 lần điều trị bằng laser mỗi lần cách nhau 4 - 6 tuần thì mới cải thiện”, bác sĩ Khánh Nam cho biết.

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi bị các vấn đề về da, bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu có uy tín để được khám, tư vấn và điều trị đúng cách, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng các loại kem, thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm, có thể khiến da bị tổn thương nặng và điều trị “khắc phục hậu quả” sẽ khó khăn, với chi phí tốn kém hơn.

“Để có làn da khỏe, mọi người nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh nắng tối đa đặc biệt vào giờ cao điểm và bôi kem chống nắng đúng cách hằng ngày. Với bệnh nhân gặp các vấn đề về da, điều này càng góp phần quan trọng vào việc chăm sóc và bảo vệ da lâu dài sau khi đã được can thiệp điều trị”, bác sĩ Vân Thanh khuyên.

Tác giả: Khải Linh

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok