Giáo dục

Năm 2017: Nên giao ngay thi tốt nghiệp cho các địa phương!

GS-TSKH. Bành Tiến Long – Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT cho rằng: “Năm 2017 nên giao ngay thi tốt nghiệp cho các địa phương. Kỳ thi được tổ chức ngay tại các trường phổ thông. Rất nhẹ nàng, khả thi và đảm bảo chất lượng kỳ thi”.

nam2017nengiaongaythitotnghiepchocacdiaphuong png
GS-TSKH Bành Tiến Long– Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT

Nhận định về 2 năm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, GS-TSKH. Bành Tiến Long cho biết, kỳ thi gồm 4 khâu: Ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển. Hai khâu ra đề thi và chấm thi ổn định như những năm trước. Theo dư luận thì chất lượng đề thi về cơ bản là đảm bảo cả 2 mục tiêu: vừa tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Khâu tổ chức thi đã giảm được số lượng đợt thi. Việc tổ chức các cụm thi ngay tại địa phương đã giảm vất vả cho thí sinh.

Tuy nhiên, GS Long cho rằng, khâu xét tuyển còn nhiều điểm bất cập như: tính ổn định không cao, khoảng 10%-15% số trường đại học yên tâm với công tác tuyển sinh, số trường còn lại luôn trong tâm lý lo lắng, chờ đợi. Số thí sinh vất vả vì xét tuyển vẫn còn nhiều.

Trong một tỉnh mà có cả hai cụm thi: cụm thi cho thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp và cụm thi cho thí sinh vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học cũng là vấn đề chưa hợp lý, trong khi đề thi thì dùng chung.

Việc tổ hợp mục đích của hai kỳ thi, thi nhiều môn trong cùng một đợt, việc phân cấp quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, các Sở giáo dục và Đào tạo và các trường cũng là những vấn đề cần giải quyết.

Nhiều thuận lợi khi đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương

Phóng viên: Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia, đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương tổ chức, còn đối với đại học để các trường được tự chủ tuyển sinh theo Luật GD, ý kiến của ông thế nào?

GS-TSKH. Bành Tiến Long: Tôi ủng hộ ý kiến đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương. Điều này là đúng chức năng nhiệm vụ của các Sở GD&ĐT, làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông thống nhất từ năm đầu cấp đến năm cuối cấp ( lớp 12); Hơn nữa việc này cũng vừa khả thi và nhẹ nhàng, vừa đúng với hiện trạng giáo dục của chúng ta.

Còn đối với các trường đại học để các trường được tự chủ tuyển sinh là đúng luật Giáo dục. Lâu nay thì các trường vẫn tự chủ tuyển sinh tuy có một số khâu như ra đề, điểm sàn…vẫn do Bộ GD& ĐT đảm nhiệm. Khi tự chủ tuyển sinh, có một số điều cần phải lường trước và chủ động ngăn chặn để tránh hậu quả: sau vài năm tình trạng luyện thi có thể quay trở lại do áp lực cạnh tranh; chất lượng đầu vào đại học quá chênh lệch do áp lực nguồn thu của các trường, trong khi chất lượng nguồn nhân lực không được kiểm soát.

Trên thực tế công tác kiểm định chất lượng đại học còn rất yếu (kể cả kiểm định trường và kiểm định chương trình đào tạo). Công tác thanh tra, kiểm tra không theo kịp sự phát triển về quy mô. Do đó trước mắt công tác tuyển sinh đại học khi giao cho các trường tự chủ thì nhà nước cũng cần có mô hình cho phù hợp để ngăn chặn và xử lý các bất cập.

Nếu trong trường hợp đưa Kỳ thi tốt nghiệpTHPT về địa phương, ông nghĩ có thuận lợi và khó khăn gì ? bởi có kiến lo ngại, nếu giao cho địa phương tổ chức sẽ khó đảm bảm tính công bằng, khách quan và nghiêm túc của kỳ thi.

Đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương thì có thuận lợi nhiều: đúng chức năng của các Sở GD& ĐT, nhẹ nhàng cho học sinh và gia đình, cho cả Bộ và địa phương. Quy chế thi tốt nghiệp để xét cấp bằng tốt nghiệp nên kết hợp cả kết quả của kỳ thi và kết quả đánh giá thường xuyên của lớp 12.

Những lo ngại về tính công bằng, khách quan và nghiêm túc của kỳ thi là không có cơ sở. Trách nhiệm của các Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các tỉnh về kỳ thi này là rất lớn nhưng hoàn toàn nằm trong tầm soát nhẹ nhàng.

Việc cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh là kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông, đồng thời làm giấy thông hành cho các em trước khi thi đại học, đi học nghề, đi lao động hoặc làm các công việc khác trong xã hội.

Điều khó khăn và băn khoăn duy nhất cần quan tâm là đề thi có nên thống nhất toàn quốc hay đề thi được phân loại khác nhau theo từng địa phương, từng vùng kinh tế và công tác ra đề nên như thế nào, giao cho ai làm. Nếu đã thống nhất quan điểm rồi thì sự khác nhau của đề thi là một tám, một mười sẽ không có gì vướng mắc nữa.

Vậy các địa phương nên thực hiện theo phương cách xét tuyển hay thi tuyển thưa ông?

Địa phương nên kết hợp cả kết quả kỳ thi với kết quả đánh giá, kiểm tra thường xuyên của lớp 12 để xét tốt nghiệp. Điều này buộc học sinh phải cố gắng học tập liên tục, lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo có trách nhiệm cao và tự chịu trách nhiệm của mình trong giáo dục.

Phải thi đại học

Còn đối với đại học, theo ông các trường cần thực hiện theo phương cách tuyển sinh nào cho hợp lý?

Đối với đại học, phương cách tuyển sinh thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội triển khai vừa qua cũng là một mô hình tốt, sau một khóa tốt nghiệp cần có tổng kết, rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên cách lựa chọn phương cách tuyển sinh phụ thuộc vào sứ mạng và mục tiêu của từng trường, phát triển trường theo định hướng nghiên cứu hay theo định hướng ứng dụng.

Đồng thời nếu tuyển sinh cho đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ hoặc các ngành nghề đặc thù hoặc các ngành nghề khác thì có thể chọn cách thi khác. Dù theo phương cách nào thì vẫn phải thi và vẫn phải quy định cứng các môn thi công cụ Toán, Văn, Ngoại ngữ vì 3 môn này đánh giá chính xác nhất năng lực của thí sinh, đồng thời là công cụ suốt cho cả quá trình lao động với tư duy sáng tạo sau này.

Đầu vào cũng chỉ là một tiêu chí của chuẩn chất lượng đào tạo đại học, nhưng trong quá trình đào tạo thì việc đảm bảo được tiêu chí này phải là nhân tố đầu tiên cần quan tâm .

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đủ và chất lượng ngân hàng đề thi, hoặc giao cho một số trung tâm làm ngân hàng đề thi theo chuẩn mực quy định thì công tác tuyển sinh hoàn toàn giao cho các trường.

2nam2017nengiaongaythitotnghiepchocacdiaphuong
GS Bành Tiến Long: “Tôi nghĩ năm 2017 nên giao ngay thi tốt nghiệp cho các địa phương. Kỳ thi được tổ chức ngay tại các trường phổ thông. Rất nhẹ nhàng, khả thi và đảm bảo chất lượng kỳ thi”.

Nếu thực hiện tách kỳ thi ra thì vai trò của Bộ GD&ĐT ở đây như thế nào, thưa ông?

Vai trò của Bộ GD&ĐT ở đây rất lớn, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước: Ban hành các Quy chế thi quốc gia, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các kỳ thi, làm công tác thống kê nhà nước, phân tích dữ liệu về kết quả thi để kịp thời điều chỉnh chính sách trong giáo dục.

Trong giai đoạn trước mắt, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có thể hỗ trợ làm ngân hàng đề thi vì đề thi phải đảm bảo đúng chuẩn chất lượng. Đây là việc làm rất khó, đòi hỏi đầu tư nguồn lực khá lớn. Ở các nước khác cũng vậy thôi.

Theo ông kỳ thi năm 2017 cần tổ chức theo phương thức nào?

Một số tờ báo Điện tử đã có thăm dò kỳ thi 2017 nên tổ chức theo phương thức nào. Tôi cho rằng, đây là việc làm rất hay. Kết quả thăm dò là khá khách quan. Nhưng chúng ta phải cần chú trọng tới ý kiến của đối tượng thăm dò.

Theo tôi ý kiến của các thầy cô giáo ở phổ thông, ý kiến của các giảng viên đại học, cao đẳng, của các nhà giáo nói chung là khách quan và chính xác nhất.

Bởi vì đây là những người suốt bao nhiêu năm lăn lộn trực tiếp với giáo dục, với thi cử. Họ rất hiểu ưu nhược điểm của các mô hình thi cử, cái gì nên giữ, cái gì nên bỏ. Từ đó các nhà quản lý kết luận và ban hành cơ chế chính sách thi cử cho hợp lý. Mặt khác cũng không nên xáo trộn nhiều trong thi cử. Mô hình thi cử ở các nước đã ổn định mấy chục năm nay.

Tôi nghĩ năm 2017 nên giao ngay thi tốt nghiệp cho các địa phương. Kỳ thi được tổ chức ngay tại các trường phổ thông. Rất nhẹ nhàng, khả thi và đảm bảo chất lượng kỳ thi.

Lãnh đạo và giáo viên các trường phổ thông , các cơ quan quản lý giáo dục từ cấp quận, huyện, các tỉnh hoàn toàn có đủ năng lực và trách nhiệm để thực hiện việc này theo đúng Quy chế.

Kết quả thi tốt nghiệp chắc chắn cũng trùng khớp với kết quả của những kỳ thi tốt nghiệp như những năm vừa qua.

Đối với tuyển sinh đại học thì do các trường quyết định. Nhưng theo tôi là phải có thi. Điểm thi đầu vào đại học có hơi thấp nhưng phải mạch lạc, rõ ràng, đúng chất lượng. Không nên chỉ xét tuyển vào đại học theo học bạ. Việc vừa thi vừa xét chỉ thực hiện khi đã có kết quả các môn thi công cụ và chỉ xét môn định hướng chuyên ngành cho học đại học (nếu các trường có quy định).

Một số trường có thể tổ chức thi theo đánh giá năng lực như ĐHQG HN, phù hợp với tính chất đào tạo của trường. Trước mắt để giữ ổn định tuyển sinh thì Bộ vẫn tổ chức ra đề thi đại học cho đến lúc có ngân hàng đề thi và vẫn tổ chức thi tại các cụm thi ở các tỉnh do các trường đại học chịu trách nhiệm. Nên giảm bớt số cụm thi. Thi ba môn công cụ là bắt buộc, ngoài ra có thi các môn theo định hướng chuyên ngành. Cần phải tìm ra mô hình tuyển sinh đại học ổn định trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok