PGS-TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết vừa tiếp nhận thăm khám một bệnh nhân nữ, 31 tuổi với tổn thương tăng sắc tố nhiều vùng nách 2 bên.
Bệnh nhân cho biết do vùng nách thâm đen, sẫm màu hơn bình thường nên đã thử qua nhiều phương pháp dân gian và thuốc bôi tại chỗ nhưng không đáp ứng điều trị. Nghe theo quảng cáo, bệnh nhân đi làm trắng vùng nách tại spa bằng phương pháp phi kim, laser vùng nách. Bệnh nhân làm khoảng 10 lần. Trong thời gian đó, bệnh nhân đau tại chỗ, tổn thương lên vảy dày, sau đó tình trạng tăng sắc tố không cải thiện mà còn bị nặng hơn.
Vùng nách 2 bên thâm đen, sần sùi của bệnh nhân sau nhiều lần thực hiện phi kim, laser tại một spa |
Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám bệnh trong tình trạng tăng sắc tố nặng vùng nách 2 bên, tình trạng gây ảnh hưởng nặng đến tâm lý người bệnh, bệnh nhân mong muốn giảm bớt tổn thương và làm sáng da vùng nách 2 bên.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng khoa Laser và Chăm sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, sau khi thăm khám, các bác sĩ thực hiện điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp laser ánh sáng trị liệu kết hợp với thuốc bôi tại chỗ, tuy nhiên việc điều trị và phục hồi sẽ cần phải có thời gian.
Bác sĩ cho biết một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng nách thâm đen là do vệ sinh vùng da dưới nách không đúng cách, sử dụng thuốc tránh thai, di truyền, thay đổi nội tiết... Ngoài ra, việc dùng lăn khử mùi thường xuyên cũng dẫn đến việc sản sinh nhiều hơn melanin, gây ra tình trạng da đổi màu và thâm đen hơn, do lăn khử mùi thường có nhiều hóa chất mạnh. Bên cạnh đó việc nhổ hay cạo lông nách khiến cho lỗ chân lông ngày càng to hơn, dẫn đến vùng da bị tổn thương, trở lên thâm đen và sần sùi hơn....
Bác sĩ Thành khuyến cáo để vùng nách hết thâm đen thì điều kiện cần và đủ là loại bỏ nguyên nhân gây ra thâm nách và tìm phương pháp phục hồi vùng da bị tổn thương phù hợp. Hiện có nhiều phương pháp để khắc phục tình trạng vùng da dưới cánh tay thâm đen, từ các phương pháp đơn giản tại nhà như dùng các nguyên liệu tự nhiên như chanh muối, mật ong, baking soda... đến sử dụng các thuốc bôi làm sáng da tại chỗ, hay các phương pháp hiện đại hơn như: Laser, ánh sáng điều trị tăng sắc tố… Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm nên cần được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn.
Tác giả: D.Thu
Nguồn tin: Báo Người lao động