Đông đúc du khách chờ xem cảnh hoàng hôn từ trên các tầng cao của chùa cổ danh tiếng Shwesandaw - Ảnh: Reuters
Bộ Văn hóa Myanmar cho biết do số lượng du khách đến đây quá đông, bùng nổ từ khi Myanmar mở cửa năm 2011, khiến ảnh hưởng đến chất lượng kiến trúc. Đó là chưa kể việc đã có những du khách vô ý thức nhảy múa, hát hò hoặc ngủ lại trong chùa, tháp, vi phạm quy định tôn giáo.
Bagan được mệnh danh là “xứ sở vạn đền” bởi nơi này có đến hơn 3.000 chùa, tháp mà một số có niên đại từ thế kỷ 11.
Nằm trên bờ của sông Irrawaddy, trong khu vực Mandalay, thành phố cổ từng là thủ đô của vương quốc Pagan. Trong thời kỳ hoàng kim của vương quốc giữa thế kỷ 11 và 13, các nhà lãnh đạo Pagan giàu có đã cho xây dựng hàng ngàn chùa, tháp ở các vùng đồng bằng Bagan.
Người ta ước tính từng có hơn 10.000 ngôi đền Phật giáo, chùa và tu viện phủ khắp 100km2 đồng bằng ở trung tâm Myanmar.
Hiện Bộ Du lịch Myanmar đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để lên kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững cho khu vực này, như xây dựng điểm cạnh chùa cho du khách lên đó ngắm hoàng hôn mà vẫn đảm bảo chìm đắm trong không khí huyền hoặc.
Chính quyền Yangon cũng đang đệ đơn lên UNESCO xin đưa Bagan vào danh sách di sản thế giới.
Theo Myanmar Times, quyết định cấm thăm viếng nhiều điểm ở Bagan đã khiến giới du lịch nước này phản ứng vì đó là điểm làm ăn hấp dẫn nhất của họ với chương trình ngắm hoàng hôn trên các nóc chùa cao nhất ở Bagan.
Họ cho rằng chính quyền nên bàn bạc với họ để tìm giải pháp phù hợp thay vì ra quyết định đơn phương. Năm ngoái, du lịch Myanmar đón đến 250.000 du khách nước ngoài, tăng gấp đôi so với năm 2011.
Tác giả bài viết: N.Quân