Đại sứ quán Cuba tại Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Reuters dẫn thông báo của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 3/10 cho biết việc trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba tại Mỹ cũng nhằm đảm bảo “sự cân bằng” về số lượng nhân viên ngoại giao giữa hai nước. Trước đó, Mỹ đã triệu hồi hơn một nửa nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Havana hôm 29/9.
15 nhà ngoại giao Cuba sẽ có thời hạn 7 ngày để rời khỏi Mỹ. Theo Ngoại trưởng Tillerson, động thái này của chính quyền Tổng thống Donald Trump được đưa ra do Cuba không có những biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ ở Havana.
Quyết định trên được đưa ra sau khi ít nhất 21 nhân viên ngoại giao Mỹ mắc các vấn đề về sức khỏe từ chấn thương não nhẹ đến mất thính lực, chóng mặt, buồn nôn. Có nhiều đồn đoán cho rằng, các nhân viên ngoại giao này đã bị tấn công bằng một loại sóng âm, song phía Cuba đã lên tiếng phủ nhận có liên quan đến các vụ tấn công này.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã lên tiếng phản đối quyết định trục xuất của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington không hợp tác chặt chẽ với Havana trong việc điều tra nguyên nhân dẫn tới các vụ việc về sức khỏe của các nhà ngoại giao. Ngoại trưởng Rodriguez cũng kêu gọi Mỹ ngừng “chính trị hóa” vấn đề này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tillerson cho biết Mỹ sẽ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba và sẽ tiếp tục hợp tác với Havana trong các cuộc điều tra về các vụ tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ.
Động thái trục xuất các nhà ngoại giao Cuba của chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục khiến mối quan hệ giữa hai nước rơi vào căng thẳng. Đây cũng là đòn giáng tiếp theo vào nỗ lực của cựu Tổng thống Barack Obama trong việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau nhiều năm cấm vận.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí