Tổng thống Nicolas Maduro. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 13/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực nhằm “cứu vớt” nền kinh tế gặp khủng hoảng của Venezuela. Theo đó, một nhóm gồm 20 bộ trưởng tài chính các nước phương Tây, những nước nằm trong nhóm được gọi là “bạn bè của Venezuela”, đã gặp nhau vào đầu tuần này tại Washington để thảo luận về gói viện trợ thương mại trị giá 10 tỷ USD dành cho quốc gia Nam Mỹ.
“Chúng tôi đang nỗ lực để tập hợp gói hỗ trợ tài chính thương mại trị giá 10 tỷ USD nhằm giúp chính phủ mới phát triển thương mại”, Bộ trưởng Mnuchin nói.
Theo Bộ trưởng Mnuchin, Mỹ chỉ cung cấp sự hỗ trợ trên cho “chính phủ mới” của “tổng thống lâm thời” Juan Guaido, người tự nhận là tổng thống Venezuela và được Washington hậu thuẫn. Điều này đồng nghĩa với việc Venezuela sẽ không thể nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ nếu chính quyền của đương kim Tổng thống Nicolas Maduro vẫn tại nhiệm.
Phát biểu sau cuộc họp với 20 bộ trưởng tài chính, ông Mnuchin nói rằng các bộ trưởng đồng ý "ủng hộ sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ chính phủ của tổng thống lâm thời Guaido khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới”.
Tính đến nay, Mỹ và khoảng 50 nước khác vẫn ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido và tìm nhiều cách để hỗ trợ ông Guaido lên nắm quyền tại Venezuela thay Tổng thống Maduro.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Venezuela chuyển giao sang một chính quyền hợp pháp trong thời gian sớm nhất có thể để đáp ứng khát vọng của người dân (Venezuela) về một cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai dân chủ hơn”, Bộ trưởng Mnuchin nhấn mạnh.
Mỹ hiện vẫn áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Venezuela trong bối cảnh nền kinh tế nước này liên tục suy thoái và đối mặt với tình trạng siêu lạm phát. Washington nhắm mục tiêu trừng phạt mạnh tay nhất với ngành dầu khí, nguồn thu chủ yếu của chính quyền Venezuela.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí