Thế giới

Mỹ khoe bom hạt nhân thông minh đắt nhất thế giới

Không quân Mỹ phát triển và thử nghiệm thành công bom hạt nhân chiến thuật thông minh B61-12, có khả năng phá hủy mục tiêu sâu trong lòng đất với độ chính xác cao.

Mỹ thử nghiệm vũ khí hạt nhân chiến thuật mới: Không quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công bom hạt nhân chiến thuật B61-12 có khả năng phá hủy các mục tiêu sâu trong lòng đất


Theo báo SCMP, bom hạt nhân chiến thuật B61-12 có trọng lượng chỉ 350 kg. Nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu xây dựng sâu trong lòng đất, nơi các vũ khí thông thường khó có hiệu quẩ.

Giới quân sự nhận định bom B61-12 báo hiệu về một thế hệ vũ khí hạt nhân chiến thuật mới. Và nhiều người lo ngại nó có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Vũ khí hạt nhân đắt nhất lịch sử

Bom hạt nhân chiến thuật thuộc loại vũ khí phi chiến lược được chế tạo để hỗ trợ cho hải quân, lục quân trong các hoạt động chiến đấu gần đối phương. B61-12 được thiết kế để lắp trên máy bay ném bom chiến lược tàng hình tốc độ cao, hoặc máy bay chiến đấu thông thường với khả năng tấn công chính xác và hạn chế tối đa thiệt hại dân sự.

Đây là quả bom hạt nhân chiến thuật đắt nhất lịch sử nước Mỹ với tổng chi phí sản xuất tới 11 tỷ USD cho 400 quả bom (tương đương 27,5 triệu USD/quả). B61-12 được xem là trung tâm trong kế hoạch hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ với kinh phí dự kiến tới 1.000 tỷ USD trong 30 năm tới.

Bom hạt nhân chiến thuật B61-12 là vũ khí cực kỳ tinh vi. Ảnh: Sputnik

Đầu tháng 8, Cục An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ tuyên bố đã phát triển thành công bom hạt nhân chiến thuật B61-12 sau 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm. Quá trình sản xuất với quy mô đầy đủ sẽ bắt đầu từ năm 2020.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo rằng 180 loại vũ khí mới sẽ được triển khai ở các căn cứ trong 5 quốc gia châu Âu, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế chi tiêu cho vũ khí hạt nhân của 10 thượng nghị sĩ.

Các nhà phân tích quân sự khẳng định Nga và Trung Quốc đã theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật tương tự Mỹ trong nhiều thập kỷ qua nhưng chưa thành công.

Ông Song Zhongping, cựu sĩ quan lực lượng Tên lửa chiến lược Trung Quốc, cho biết thách thức lớn nhất với Bắc Kinh trong việc phát triển bom hạt nhân chiến thuật là phương tiện vận chuyển.

“Tương tự nhiều cường quốc hạt nhân khác, Trung Quốc bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) từ nhiều năm trước. Chúng tôi đã có công nghệ hạt nhân trong nhiều thập kỷ”, ông Song nói với SCMP.

Ông cho biết thêm những khó khăn chính của Trung Quốc trong việc phát triển TNW là làm thế nào để tăng độ chính xác và có phương tiện để chuyên chở chúng. Ông Song thừa nhận rằng công nghệ của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ và Nga.

Bom hạt nhân chiến thuật B61-12 lắp dưới bụng tiêm kích F-15. Ảnh: SCMP

Sẽ chạy đua vũ trang hạt nhân?

Người phát ngôn của Tổng thống Nga là Dmitry Peskov từ chối bình luận về báo cáo Mỹ sẵn sàng sản xuất quy mô lớn bom hạt nhân B61-12. Nhưng điện Kremlin bày tỏ quan ngại về thông tin trên.

Thượng nghị sĩ Viktor Ozerov thuộc Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nga cảnh báo các chuyên gia hạt nhân của nước này sẽ nghiên cứu kỹ mức độ đe dọa của loại bom mới và tìm biện pháp kiềm chế nó nếu cần thiết.

Ông Jonathan Holslag, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brussels, nhận định B61-12 đem lại cho Mỹ nhiều tùy chọn để tấn công các đối thủ tiềm năng như Nga hay Trung Quốc và Iran. “Trong bối cảnh này, B61-12 có khả năng làm leo thang giữa cuộc chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân”, ông Holslag cảnh báo.

Ông lo ngại: “Chúng ta đang ở trong một cuộc chạy đua hạt nhân, nhưng không phải ở cấp độ và quy mô của Chiến tranh Lạnh trước đây”. Ni Lexiong, chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng trên bán đảo Triều Tiên.

“Thật hiếm khi thấy Mỹ công bố việc phát triển loại vũ khí gây tranh cãi như vậy. Có thể Mỹ sẽ sử dụng B61-12 trong một cuộc xung đột nếu có trong khu vực. Nhưng tôi nghiêng về giả thuyết Washington công bố dự án như vậy để tăng khả năng răn đe hạt nhân. Đó là một dự án rất tốn kém”, ông Ni nhận định.

Ông Ni và Song đồng quan điểm rằng Trung Quốc sẽ không học theo Liên Xô để thực hiện cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Mỹ. Bắc Kinh luôn ghi nhớ bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô khi cố chạy đua vũ trang với Mỹ.

Tác giả bài viết: Quốc Việt

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok