Theo BBC, tuyên bố trên của ông Bolton được đưa ra ít giờ sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran gieo rắc "hỗn loạn, chết chóc và hủy diệt" khắp Trung Đông.
Ông John Bolton (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đáp trả bằng những lời chỉ trích chính quyền Trump về sự thù địch.
Mới đây, Mỹ áp đặt cấm vận lên Tehran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Thỏa thuận này là kết quả đàm phán kéo dài của cựu Tổng thống Barack Obama, theo đó Iran cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy nới lỏng cấm vận. Tuy nhiên, Tổng thống Trump tin rằng, khôi phục áp lực kinh tế sẽ buộc Iran phải nhất trí một thỏa thuận mới.
Mỹ nói gì về Iran?
BBC dẫn lời ông Bolton nói chính quyền Tehran sẽ phải đối mặt với những hậu quả lớn nếu tiếp tục "dối trá và lừa đảo".
Phát biểu tại một hội nghị ở New York hôm 25/9, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cảnh báo Iran: "Nếu các ông qua mặt chúng tôi, các đồng minh hoặc đối tác của chúng tôi; nếu các ông làm hại công dân của chúng tôi, thì sẽ phải trả giá đắt".
"Hãy để lời tôi nói hôm nay được rõ ràng: Chúng tôi đang theo dõi, và chúng tôi sẽ theo sát các ông", vị cố vấn Mỹ tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Mỹ sẽ rất tích cực trong việc thực thi cấm vận kinh tế.
Trước đó ít giờ, khi phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thống Trump biện hộ việc ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran: "Các lãnh đạo Iran đang gieo rắc hỗn loạn, chết chóc và hủy diệt. Họ không tôn trọng các hàng xóm của mình, không tôn trọng các đường biên giới hay chủ quyền của các nước. Thay vào đó, lãnh đạo Iran tham ô các nguồn lực của đất nước để làm giàu cho bản thân, gây bất bình khắp Trung Đông và xa hơn thế".
Iran đáp trả thế nào?
Tổng thống Rouhani khẳng định đối thoại nên bắt đầu bằng cách chấm dứt những lời đe dọa và "các lệnh trừng phạt bất công". Ông nói thêm rằng không một nước nào có thể bị dẫn đến bàn đàm phán bằng vũ lực, và chỉ trích "hiểu biết của Mỹ về các mối quan hệ quốc tế là rất độc đoán".
Tehran cáo buộc ông Trump phát động "chiến tranh tâm lý" chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời phủ nhận mọi sự liên quan đến khủng bố. Iran cũng khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ các mục đích hòa bình.
Hồi tháng 8, Mỹ tái áp đặt cấm vận nhằm vào việc Chính phủ Iran mua đôla Mỹ, trao đổi bằng vàng cùng các kim loại quý khác và ngành ô tô của nước này. Giá trị đồng Rial của Iran đã lao dốc mạnh vì chính sách mới của Washington.
Đến tháng 11 tới, gói trừng phạt thứ hai khắc nghiệt hơn sẽ được áp lên ngành vận tải biển và dầu lửa của Iran, và cả ngân hàng trung ương nước này.
Các thành viên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran - gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga – tuyên bố họ sẽ thiết lập một hệ thống thanh toán mới để duy trì làm ăn với Iran và bỏ qua cấm vận của Mỹ.
Hệ thống này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và công ty dầu mỏ tiếp tục giao dịch mà không phụ thuộc vào đồng đôla và thị trường toàn cầu do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, cách thức hệ thống vận hành đến nay vẫn đang được bàn bạc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi hành động này là "một trong những vấn đề phản tác dụng nhất đối với an ninh và hòa bình thế giới".
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet