Thế giới

Mỹ hạn chế thị thực đối với quan chức Campuchia

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/12 cho biết nước này sẽ hạn chế thị thực đối với các quan chức có liên quan tới động thái của chính phủ Campuchia nhằm làm suy yếu nền dân chủ, bao gồm việc giải tán đảng đối lập trước thềm bầu cử.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Cambodia Daily)

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Campuchia đảo chiều quyết định bằng cách khôi phục đảng chính trị đối lập, thả Kem Sokha và cho phép các nhóm truyền thông cũng như xã hội dân sự được tiếp tục tiến hành các hoạt động bảo vệ hiến pháp”, Reuters dẫn thông báo do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm qua 6/12.

Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề cập tới quyết định giải tán đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc (CNRP) của tòa án tối cao Campuchia theo đề xuất của chính phủ Thủ tướng Hun Sen và lệnh bắt giữ ông Kem Sokha - lãnh đạo đảng CNRP hồi tháng trước. Ông Kem bị bắt với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ Campuchia với sự hậu thuẫn của Mỹ.

“Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với các cá nhân có liên quan tới việc làm suy yếu nền dân chủ tại Campuchia. Trong một số trường hợp nhất định, các thành viên trong gia đình của những người có liên quan tới vấn đề này cũng sẽ bị hạn chế thị thực”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm.

Sau thông báo của Mỹ về việc hạn chế nhập cảnh, chính phủ Campuchia đã lên tiếng chỉ trích quyết định này.

“Thông báo cho thấy Mỹ đang phá hủy nền dân chủ. CNRP không phải là các chính trị gia, họ là những người nổi loạn”, phát ngôn viên của chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan, nói với Reuters.

Theo ông Siphan, việc giải thể đảng CNRP và bắt giữ lãnh đạo đảng hoàn toàn “hợp pháp” và diễn ra theo đúng quy trình thông qua các tòa án và quốc hội Campuchia. Trong khi đó, Mỹ phủ nhận những lập luận do chính phủ Campuchia đưa ra, đồng thời tuyên bố sẽ rút viện trợ cho cuộc bầu cử Campuchia vào năm tới.

Quyết định hạn chế thị thực được cho là biện pháp mạnh tay nhất của một nước phương Tây nhằm vào chính phủ Campuchia từ sau một loạt động thái xảy ra trước thềm cuộc bầu cử tại nước này. Liên minh châu Âu (EU) cũng để ngỏ khả năng rút các ưu tiên về thương mại với Campuchia mặc dù đây là yếu tố quan trọng đối với ngành công nghiệp may mặc, vốn chiếm hơn 60% trong tổng số hàng hóa xuất khẩu của Campuchia năm 2016.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok