Cuộc khủng hoảng ngoại giao được xem là nghiêm trọng nhất tại Vùng Vịnh, giữa một bên là Qatar với một bên là những nước do Saudi Arabia dẫn đầu hôm 9/6 chứng kiến sự can dự chính thức của Mỹ, đồng minh quan trọng nhất đối với khu vực.
Khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh nếu không được giải quyết dứt điểm có thể đẩy khu vực vào một viễn cảnh phức tạp hơn. (Ảnh minh họa: Sputnik) |
Từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson đến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều lần lượt ra tuyên bố sau nhiều ngày không rõ ràng về lập trường của Mỹ trong vấn đề này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Qatar chấm dứt ngay lập tức việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, kêu gọi quốc gia vùng Vịnh tích cực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.
Từ nhiều ngày nay, Qatar đã trở thành mục tiêu chỉ trích của Saudi Arabia và các đồng minh khu vực, với cáo buộc hỗ trợ khủng bố, đồng thời phải hứng chịu một loạt các lệnh trừng phạt về ngoại giao, kinh tế và chính trị.
Cơn địa chấn ngoại giao này xảy ra đúng 15 ngày sau chuyến thăm Saudi Arabia của người đứng đầu Nhà Trắng, với lời kêu gọi các nước Hồi giáo hành động mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa cực đoan mạo danh tôn giáo.
Tuy nhiên, phát biểu ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thể hiện sự mềm mỏng hơn với Qatar khi một lần nữa kêu gọi nước này có những bước tiến trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông đặc biệt kêu gọi Saudi Arabia và các đồng minh nới lỏng các lệnh cấm vận với Qatar, nhấn mạnh những hậu quả về mặt nhân đạo có thể xảy ra với người dân Qatar cũng như tác động xấu tới cuộc chiến chống IS.
“Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực hòa giải của Kuwait nhằm đem lại một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng và tiến tới loại bỏ tất cả các hình thức hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố, như hỗ trợ quân sự, tài chính, tinh thần... Những ngày qua, chúng tôi đã nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo khu vực và đã nhất trí rằng, đối thoại là yếu tố cơ bản của mọi giải pháp. Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh cần thể hiện sự đoàn kết để cho thế giới thấy được quyết tâm của các bạn trong cuộc chiến chống bạo lực và khủng bố”, ông Tillerson nói.
5 ngày sau cú sốc ngoại giao với Saudi Arabia và các đồng minh, Qatar đang tìm kiếm sự ủng hộ của nước ngoài. Ngoại trưởng Qatar Mohammed ben Abderrahmane Al Thani sáng 8/6 đã thực hiện chuyến thăm bất ngờ tới Đức và dự kiến hôm nay (10/6) sẽ tới Nga để gặp người đồng cấp Sergei Lavrov. Ông Al Thani trước đó cũng đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Qatar, đồng thời hối thúc Saudi Arabia khẳng định vai trò của mình nhằm thúc đẩy các quan hệ tốt đẹp trong khu vực, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa áp đặt đối với Qatar.
Trước đó, đêm 8/6, trong một động thái nhằm gia tăng sức ép, Ngân hàng trung ương Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) yêu cầu các ngân hàng ở nước này hiện có giao dịch với các ngân hàng của Qatar đóng băng tất cả những tài khoản có liên quan tới 59 cá nhân và 12 tổ chức vừa bị liệt vào danh sách khủng bố. Trong số này có các quan chức và tổ chức có trụ sở tại Ai Cập, Bahrain hay Libya.
Chính phủ Qatar đã ngay lập thức chỉ trích những cáo buộc này là “vô căn cứ”.
Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh nếu không được giải quyết dứt điểm có thể đẩy khu vực vào một viễn cảnh phức tạp hơn, trong bối cảnh Trung Đông đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát như cuộc chiến tranh ở Syria, Yemen, xung đột ở Libya, cũng như các thách thức từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Vì thế, các quốc gia Arab vùng Vịnh và Qatar cần phải kiềm chế và nỗ lực giải quyết bất đồng thông qua đối thoại để cuộc khủng hoảng không bị đẩy đi quá xa./.
Tác giả: Thu Hoài
Nguồn tin: vov.vn