Thế giới

Mỹ bỏ tiền túi để rút khỏi bãi lầy Syria?

Mọi chi phí liên quan đến hoạt động của quân đội Anh, Pháp tại Syria sẽ do Washington chi trả.

Theo Foreign Policy ngày 10/7, Anh và Pháp sẽ điều thêm quân "lấp vào chỗ trống" của Mỹ sau khi Tổng thống Trump muốn nhanh chóng rút quân khỏi Syria. Tuy nhiên, mọi chi phí liên quan đến hoạt động của quân đội Anh, Pháp tại Syria sẽ do Washington chi trả.

Anh và Pháp đều có quân số giới hạn tại Syria và cam kết tăng từ 10-15% để Mỹ có thể rút bớt lực lượng. Nhà Trắng cũng như phía Anh, Pháp chưa đưa ra bình luận về các thông tin này.

Hiện có khoảng 1.000-2.000 binh sĩ Mỹ đóng tại khu vực đông bắc Syria và ủng hộ lực lượng người Kurd chống lại chính quyền Damascus. Mỹ dự định rút quân và muốn các đồng minh điều lực lượng đến.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Syria

Thế nhưng, phần lớn đồng minh của Mỹ đã từ chối điều quân đến Syria vì nhiều lý do. Bộ Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cho biết, nước này sẽ không triển khai quân đội tới Syria, bất chấp áp lực của chính quyền Mỹ.

"Chúng tôi không có sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc cho việc này và chúng tôi sẽ không hành động", bà Bijlveld tuyên bố và cho biết, chính phủ Hà Lan sẽ hỗ trợ chống khủng bố theo nhiều cách khác.

Cũng đáp lại lời kêu gọi triển khai quân đội tới Syria của Mỹ, Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert đã chính thức tuyên bố từ chối và khẳng định động thái này không phù hợp với chiến lược của Liên minh chống khủng bố của các nước phương Tây.

"Chính phủ Đức tuân thủ các cam kết hiện hành trong Liên minh chống khủng bố, tuy nhiên, điều này không bao gồm việc triển khai quân đội tới Syria", ông Steffen Seibert nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó muốn chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel đảm nhận vai trò quân sự lớn hơn ở Trung Đông.

Cụ thể, Đặc phái viên Mỹ tại Syria James Jeffrey đã gửi một yêu cầu chính thức của Washington tới Berlin, kêu gọi nước này triển khai quân đội đến Syria để thay thế một phần lực lượng Hoa Kỳ và giúp phần còn lại chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ông Jeffrey yêu cầu quân đội Đức giúp đỡ các đồng minh Mỹ và hỗ trợ kỹ thuật, công tác hậu cần cho lực lượng Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, chiến đấu với tàn quân của nhóm khủng bố IS.

Hình ảnh binh sĩ Đức tại Syria

Giới quan sát cho rằng, Mỹ muốn nhanh chóng rút khỏi bãi lầy Syria, Bởi lẽ, nhóm Quân đội Syria tự do (FSA) được Mỹ huấn luyện, cung cấp một lực lượng đông đảo cố vấn quân sự, viện trợ và vũ khí đã thất bại trong việc lật đổ chính quyền Tổng thống Assad.

Thổ Nhĩ Kỳ, con bài quan trọng có tính quyết định nhất, bị vô hiệu hóa, khi Ankara không coi Mỹ là bạn và quay sang thân Nga. Trong khi đó, Lực lượng người Kurd tại Syria là con dao 2 lưỡi.

Mỹ tuyên bố chiến dịch chống khủng bố tại Syria kết thúc thắng lợi, trong khi khủng bố lại cứ thế nảy nở ra từ vùng đất do Mỹ và đồng minh kiểm soát.

Tất nhiên, đồng minh của Mỹ ở châu Âu thừa hiểu rằng, chiến trường Syria là một bãi lầy, một khi đặt chân xuống thì sẽ rất khó để rút ra. Do đó, họ từ chối yêu cầu của Washington.

Việc Anh và Pháp chấp nhận tăng cường quân tới Syria có lẽ chỉ nhằm mục đích làm hài lòng Mỹ. Những nước này điều quân tới Syria nhưng lại ra điều kiện là Mỹ phải chịu mọi chi phí, nói thẳng ra là Washington đang sử dụng lính đánh thuê nhằm mục đích rút khỏi bãi lầy Syria.

Tác giả: Trung Kiên

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok