Quan tâm đến lịch bảo dưỡng
Đối với mỗi ô tô khi mua đều có sách hướng dẫn sử dụng xe, nhưng dường như nó không được mấy tài xế quan tâm. Sách hướng dẫn sẽ giúp bạn nắm được cách sử dụng xe và quy trình cũng như lịch trình ô tô cần được bảo dưỡng định kỳ. Những bộ phận nào cần được quan tâm trong mỗi lần bảo dưỡng?
Qua sách hướng dẫn, tài xế cũng nắm được những cách vận hành xe an toàn nhất đều được nhà sản xuất nghiên cứu và thử nghiệm trong điều kiện thực tế. Những việc này sẽ giúp ô tô của bạn gia tăng tuổi thọ và không phải mất những chi phí không đáng có.
Áp suất lốp rất quan trọng
Luôn giữ đúng áp suất cần thiết cho lốp, đo áp suất thường xuyên là công việc rất quan trọng giúp xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu hao mòn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng cần đảo lốp trước và sau trong thời gian dài sử dụng để đảm bảo xe vận hành hiệu quả.
Kiểm tra má phanh
Má phanh bị an mòn khi lịch bảo dưỡng xe còn chưa đến, do quá trình sử dụng lái xe thường xuyên tăng giảm tốc độ đột ngột. Điều đó khiến má phanh luôn phải hoạt động hết công suất gây ra tình trạng ăn mòn. Vì vậy, bạn nên quan tâm đến má phanh để không ảnh hưởng đến những bộ phân liên quan.
Bộ lọc gió và dầu máy
Bên cạnh má phanh, lọc gió và dầu máy là những bộ phận tiếp theo cần được quan tâm. Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ ô tô.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, bộ lọc gió cần được thay mỗi 20.000 km của xe. Đồng thời, xe mới cần thay dầu máy khi đi được 1.000 km đầu tiên và thay thường xuyên với mỗi 5.000 tiếp theo.
Chú ý khi vận hành xe
Hiểu được những cách vận hành giúp xe luôn “sung sức” nhất. Khi khởi động xe, bạn không nên vội vã cài số đi luôn. Động cơ xe cần được duy trì khi khởi động khoảng 30 giây đến 1 phút rồi mới nên di chuyển, nhiệt độ động cơ phù hợp sẽ giúp xe bền bỉ hơn.
Đồng thời, kết hợp sử dụng phanh tay mỗi khi dừng xe để giúp hộp số được giảm tải và an toàn mỗi khi không sử dụng xe.
Thường xuyên “tắm” cho xế cưng
Rửa xe thường xuyên không những giúp xe “bóng bẩy” mà còn tránh được hiện tượng bụi bẩn bám vào những bộ phận bằng kim loại của xe gây hoen gỉ, đảm bảo kết cấu để xe hoạt động tốt nhất.
Nội thất của xe cũng nên được dọn dẹp thường xuyên để những bụi bẩn không có cơ hội bám chặt vào những góc chết trên ghế xe, bảng táp lô hoặc sàn xe. Qua đó, tăng tính thẩm mỹ và cảm giác thân thiện với con người nhất.
Những mẹo nhỏ trên đây hy vọng sẽ giúp bạn tiết kiệm phần nào chi phí bảo dưỡng xe, đồng thời tránh ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khiến xe gặp “bệnh” nặng hơn.
Tác giả bài viết: Xuân Khải
Nguồn tin: