Giáo dục

"Muốn không thất nghiệp, đừng chọn nghề nào"

Trước ngày khai giảng, mọi người trong gia đình mình tranh luận gay gắt câu hỏi này làm mình nhớ hồi năm 1999, lúc mình chuyển từ Châu Phi về Canada xin việc.

Khi đó gặp làn sóng dót-com thứ 1, các tờ báo ở Mỹ đẩy mạnh các ấn phẩm điện tử và tuyển phóng viên ầm ầm. Mình được nhận vào 1 hãng tin lớn sau 2 cuộc phỏng vấn qua điện thoại và 1 bài thi về kiến thức tài chính. Lương của phóng viên mới ra trường lúc đó là 60 ngàn đô Canada/năm (khoảng 45 ngàn đô Mỹ).

Năm nay, tổ chức CareerCast xếp 2 nghề "phóng viên báo in" và "phóng viên phát thanh" vào Top 5 của những công việc "tồi tệ nhất" ở Mỹ. Với báo in, đây là năm thứ 3 đứng ở vị trí này. Lý do bao gồm: Lương phóng viên mới vào nghề là 36-37 ngàn đô/năm - tụt xuống so với 17 năm trước - và tương lai nghề nghiệp sẽ còn tiếp tục xấu đi.

Tại sao mình lại kể chuyện này? Gần đây bọn mình khảo sát sinh viên và người đi làm ở Việt Nam về mong muốn khi chọn công việc, một số rất đông muốn có việc "ổn định". Khi mình nói chuyện với phụ huynh về nghề nghiệp của con thì phần đông mọi người nói "Anh/chị muốn cháu học nghề gì sau này dễ xin việc".

Thí sinh thi đại học năm 2016. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng


Cả hai mong muốn này không có gì sai vì một mục tiêu lớn của công việc là mang lại thu nhập để lo cho cuộc sống của mình và gia đình. Tấm bằng và những kỹ năng giúp ta tìm được việc làm sau khi ra trường là mục tiêu đúng đắn thứ 1. Việc làm an toàn và có cơ hội phát triển là mục tiêu đúng đắn thứ 2.

Nhưng có một sự thật là nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.

Trong hơn thập kỷ qua một số ngành đã thu nhỏ lại rất nhiều.

Bản thân mình đã chứng kiến mạng xã hội và các kênh thông tin số tạo nên một "đe doạ tuyệt chủng" của nghề báo giấy ở các nước phương Tây.

Hàng loạt bạn bè và đồng nghiệp đã mất việc, phải chuyển nghề vì các tờ báo đóng cửa hoặc cắt giảm.

Gần đây, ngành dầu khí - một trong những ngành xương sống của nhiều nền kinh tế - cũng đang thu hẹp do cung vượt cầu, đẩy nhiều công ty tới tình trạng phá sản.

Thí sinh tham khảo thông tin chọn nguyện vọng xét tuyển bổ sung trong kỳ tuyển sinh ĐH 2016. Ảnh: Đinh Quang Tuấn


Xu hướng này chưa dừng lại, và các chuyên gia dự đoán sẽ còn nhiều ngành thu nhỏ, công việc mất đi và nghề không còn cần thiết nữa vì máy tính đang dần làm thay nhiều việc của con người hơn và tài nguyên thiên nhiên cạn hẹp buộc chúng ta phải sáng tạo và nhân tạo.

Vậy phải chọn nghề gì để không thất nghiệp? Mình có 2 câu trả lời:

1) Không có nghề nào an toàn 100%; và

2) Nghề nào rồi cũng sẽ ổn cả.


Tại sao lại mâu thuẫn thế? Vì không ai đoán được tương lai. Năm nay ở Mỹ một trong những nghề lương cao và dễ xin việc nhất là nghề... lái xe tải. Bao nhiêu bạn muốn làm nghề đó? Du học sinh muốn ở lại Mỹ có sẵn sàng đi học lái xe tải thay vì học Công nghệ thong tin hay Quản trị kinh doanh? Chắc là không.

Vậy nên, bạn hãy chọn ngành gì mình yêu thích (hay không ghét) và học thật tốt. Nhưng quan trọng hơn là bạn hãy trang bị cho mình khả năng thích ứng, tái tạo mình và thay đổi nghề nghiệp, và làm cho mình thành nhân lực thiết yếu ở mỗi công ty.

Làm thế nào để có được điều đó? Nếu đang là sinh viên, bạn hãy đi ra ngoài, xin thực tập, tình nguyện, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng quan hệ... để nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc của mình. Nếu bạn ra trường rồi hay đang đi làm, hãy tiếp tục học và liên tục nâng cấp tay nghề, trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng mới. Thêm vào đó, hãy luôn nhận trách nhiệm mới và tìm cơ hội phát triển ngay nơi mình đang làm.

Nói cách khác, mục tiêu của bạn không phải là tìm việc ổn định", mà phải là trở thành người không công ty nào muốn cắt giảm. Nghĩa là trở thành nhân sự ổn định. Mình tin rằng, khi đó, dù là thời thế nào, bạn cũng sẽ cạnh tranh được với người khác và các cỗ máy tính ngày càng thông minh. Và khi đó bạn sẽ làm chủ công việc và cuộc sống của mình. Và hãy nhớ, ai cũng nên học một ngoại ngữ và tìm hiểu về những công nghệ mới!

Tác giả bài viết: Đào Thu Hiền (CEO, GPA Vietnam JSC)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok