Giáo dục

Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay Ban giám hiệu

Hàng năm, nhà trường nên tổ chức thi tuyển Ban giám hiệu một cách công khai để giáo viên có thể cạnh tranh công bằng.

Sao giáo viên nhìn Ban giám hiệu toàn sai phạm, tiêu cực như vậy?

LTS: Liên quan đến bài viết: "Sao giáo viên nhìn Ban giám hiệu toàn sai phạm, tiêu cực như vậy?" hôm nay, cô giáo Phan Tuyết lại tiếp tục đưa ra quan điểm chỉ trích thẳng thắn: không thi tuyển thì làm sao có Ban giám hiệu giỏi.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả!


Trong ngành giáo dục còn quá ít nơi tổ chức thi tuyển Ban giám hiệu công khai cho các trường, mà chủ yếu là do cơ cấu và đề bạt từ cấp trên.

Khi ai đó đã lên vị trí là giám hiệu, sẽ ít có nguy cơ xuống chức trừ khi họ vi phạm điều gì đó thật lớn.

Bởi thế, không ít Ban giám hiệu các trường an tâm yên vị, không chịu học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống nên làm mất lòng tin của giáo viên và góp phần làm cho chất lượng giáo dục của ngôi trường ấy xuống cấp.

Nói là quy trình bổ nhiệm cán bộ vô cùng chặt chẽ, từ việc đưa vào cơ cấu, bỏ phiếu tín nhiệm trong Chi bộ, hội đồng, trong Liên tịch nhà trường từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn... nhưng nhiều nơi người được đề bạt lên ban giám hiệu năng lực chuyên môn vẫn thấp, đạo đức nghề nghiệp có vấn đề.

Vì yếu chuyên môn nên những người này chỉ dám “quỳ trên đạp dưới”, không dám có ý kiến với những quyết định từ phía cấp trên, cũng như đưa ra những chỉ đạo nặng tính lý thuyết.

Chẳng hạn, theo chủ trương, các trường đang áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới Vnen - triển khai phương pháp bàn tay nặn bột trong một số môn học, bài học nhưng Ban giám hiệu cũng chỉ dám phổ biến, không ai có đủ can đảm lấy một lớp học thực tế và dạy minh họa ngay bằng bài giảng của mình.

Như vậy, từ lý thuyết giảng dạy đến việc thực hành tại lớp là một khoảng cách quá xa.

Lytrucdung3giaoducnetvn
Hình minh họa của Lý Trực Dũng

Ngay từ khi còn là giáo viên họ đã chẳng có gì xuất sắc, bởi thế khi làm Ban giám hiệu làm sao dám dạy thực hành một tiết cho giáo viên học tập?

Thà không dạy để chứng minh mình giỏi, còn hơn dạy không thành công lại khó ăn nói hay sao?

Nếu là Ban giám hiệu giỏi chuyên môn thì việc thí điểm dạy làm gương chẳng có gì là khó, không có gì hiệu quả hơn khi Ban giám hiệu “nói được làm được”.

Không dám dạy minh họa nhưng họ lại rất giỏi khi viết báo cáo gửi cấp trên với các từ ngữ hoa mỹ theo kiểu “phương pháp giảng dạy hiệu quả, đã phát huy được tính tích cực của học sinh, “các em tự tin, biết tìm kiến thức”, “học sinh hiểu bài và nắm chắc kiến thức”.

Đã có không ít lần tôi được nghe một Phó hiệu trưởng một trường học nói về phương pháp dạy học bàn tay nặn bột: “Mình mà ghi sử dụng phương pháp này học sinh rất khó khăn khi đặt câu hỏi đề xuất (thực tế là vậy)… có mà họ cười cho, cười vì mình không biết dạy!”.

Trong khi đó, mỗi khi các trường có thao tác giảng dạy vận dụng phương pháp bàn tay nặn bột thì giáo viên phải mớm trước cho học sinh toàn bộ câu hỏi đề xuất để các em hỏi theo sắp đặt.

Chưa nói đến việc cô trò phải miệt mài chuẩn bị các thí nghiệm và làm đi làm lại nhiều lần vì sợ hôm dự giờ “bể dĩa”.

Ban giám hiệu không có năng lực thật sự đặc biệt rất sợ mất lòng cấp trên. Bởi thế, họ luôn ra sức, nỗ lực lấy lòng bằng việc phục tùng tuyệt đối những điều cấp trên chỉ đạo.

Giáo dục đang trên đà đổi mới nên rất cần những Ban giám hiệu thật sự giỏi chuyên môn, dám nghĩ dám làm, để có được điều này, hàng năm cần tổ chức thi tuyển Ban giám hiệu công khai để giáo viên cạnh tranh nhau công bằng, Ban giám hiệu các trường hết nhiệm kì cũng phải tham dự thi tuyển như giáo viên, có như thế, họ mới cố gắng và nỗ lực phấn đấu.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Tác giả bài viết: Phan Tuyết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok