Giáo dục

Muốn bảo vệ tiến sĩ phải có công bố khoa học quốc tế

Theo quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT đang soạn thảo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh muốn bảo vệ luận án tiến sĩ buộc phải có bài báo khoa học quốc tế.

Tại buổi tọa đàm về nâng cao chất lượng tiến sĩ mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết đào tạo tiến sĩ là đào tạo các nhà nghiên cứu chứ không phải đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.

Do vậy, luận án tiến sĩ phải là công trình khoa học, phải có cái mới và phải được đăng tải trên các tạp chí quốc tế để được phản biện.

1 tien si
NCS muốn bảo vệ luận án tiến sĩ buộc phải có bài báo khoa học quốc tế.

"Lâu nay chúng ta chưa quan tâm chuyện này. Chỉ có công bố trong nước và vài báo cáo tại các hội nghị do đó mới chỉ đánh giá được trong nước. Muốn vươn ra thế giới, hội nhập thì phải công bố quốc tế" - Thứ trưởng Ga cho hay.

Chia sẻ quan điểm này, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN cho rằng, hiện nay, theo quy định thì các NCS chỉ cần có 2 bài báo đăng tải trên các tạp chí được Hội đồng Chức danh GS Nhà nước công nhận là "đạt yêu cầu" tiến sĩ.

"Có những NCS có 7 bài báo nhưng đều là các bài tại các hội nghị nhưng hội đồng vẫn cho bảo vệ vì có 2 hội nghị là hội nghị cấp quốc gia được HĐCDGSNN công nhận" - ông Đức nói.

GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký HĐCDGSNN cho biết, theo kinh nghiệm nước ngoài, trong quá trình làm nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ thì dứt khoát phải có phát minh, phải tạo ra cái mới dù ở mức độ khác nhau.



"Ở Đông Âu muón bảo vệ luận án tiến sĩ về KHCN thì ít nhất phải có 2 bài ISI" - GS Nhung nói.

Do đó, theo GS Nhung, NCS muốn bảo vệ luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế. Các ngành Khoa học tự nhiên và công nghệ thì ít nhất phải có 2 bài báo quốc tế ISI. Các ngành KHXH thì không thể cứng nhắc như vậy được nhưng có thể có ít nhất 1 bài.

"Tôi thấy KHXH ở các nước cũng đòi hỏi bài báo khoa học ghê gớm lắm. Tiến tới các ngành KHXH của chúng ta cũng phải đăng 1 bài bằng tiếng Anh trên các diễn đàn, tạp chí uy tín thế giới. Chẳng hạn như nghiên cứu về giáo dục, kinh tế thì phải đăng trên tạp chí quốc tế" - GS Nhung nói.

GS Nguyễn Đình Đức cũng khẳng định, ở nước ngoài, các ngành như tâm lý và KHXH&NV cũng phải có đủ 2 công bố quốc tế. Vì thế, NCS trong các ngành KHXH&NV sẽ khó hơn, thời gian làm tiến sĩ có thể dài hơn. Tuy nhiên, theo GS Đức, đây là cách từng bước để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sắp tới, việc quy định số lượng bài báo công bố quốc tế của NCS sẽ có dải từ thấp đến cao chứ không phải yêu cầu cứng với tất cả các lĩnh vực.

"KHTN thì dễ công bố bài báo quốc tế hơn là KHXH, Khoa học Kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Do vậy sẽ có những quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam" - Thứ trưởng Ga cho hay.

"Với những ngành, lĩnh vực đăng trên tạp chí nước ngoài khó thì phải đăng tạp chí trong nước nhưng khuyến khích đăng trên các tạp chí bằng tiếng nước ngoài".

Người hướng dẫn cũng cần công bố quốc tế

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ngoài nâng chuẩn đầu vào và đầu ra với NCS thì tiêu chuẩn của người hướng dẫn cũng phải được nâng lên.

"Để nghiên cứu sinh thực hiện tốt vai trò nghiên cứu của mình thì định hướng nghiên cứu của các thầy hết sức quan trọng. Thầy phải đi trước nhìn nhận định hướng nghiên cứu, thầy phải có có công trình, hợp tác quốc tế mới có định hướng hướng dẫn bảo vệ luận án của mình được" - Thứ trưởng Ga nói.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Đình Đức, việc nâng chuẩn đối với NCS cũng như với người hướng dẫn cần được thực hiện từng bước để tất cả các ngành có thể thích nghi.

GS Đức cho rằng,theo thống kê, trường ĐH nghiên cứu trên thế giới, trung bình một giảng viên ngành KHTNCN 5 năm phải có 5 bài còn KHXHNV 5 năm phải có 2 bài.

Tuy nhiên, ở VN hiện nay mới chỉ được con số khoảng 0,2-0,3 bài/năm. Như thế rất xa với tiêu chuẩn thế giới. Do đó, nếu áp dụng ngay thì lực lượng giảng viên của Việt nam không thể đáp ứng ngay được.

Tác giả bài viết: Lê Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok