Tôi đi bộ 45 phút trên những lối phố trong thị xã Savannakhet - Lào từ lúc 4 giờ 30 phút, khi bạn bè còn ngủ say. Những ngôi biệt thự cổ xây dựng từ thời Pháp thuộc cửa đóng im ắng, nhưng con chó nằm trong cửa thấy người đi qua dường như chỉ gầm gừ lấy lệ. Tôi cứ nghĩ có lẽ sự hiền hòa của người dân ở đây đã ảnh hưởng đến tính khí các vật nuôi của họ.
Qua khỏi những ngôi nhà cổ ấy là các ngôi chùa ẩn mình dưới những tàng cây thốt nốt cao vợi trông như những chiếc dù màu đen dựng giữa trời. Vài ngọn đèn đường không đủ ánh sáng để nhìn xa nhưng tôi vẫn thấy những cột trụ hình tháp như làm hàng rào quanh các ngôi chùa ấy. Thật ra, trong những tháp ấy đều là hài cốt những người đã mất, sau khi hỏa táng được đặt vào đó.
Một mình đi giữa cái yên ắng của buổi mờ sáng ấy và cảm thấy một chút ớn lạnh trên lưng nhưng đã lỡ đi rồi, làm sao quay lại. Tôi bước thật nhanh, thật xa những ngôi chùa, về phía con phố có đông người ở. Vừa đi vừa cảm thấy có bước chân ai đó cũng vội vã phía sau mình. Thật ra, đó là âm thanh dội lại của những bước chân của chính tôi…
Bất ngờ, câu chuyện kể của Thavorn hiện lên trong trí nhớ…
Cũng như nhiều gia đình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, cha mẹ Thavorn bỏ xứ sang Savannakhet sau trận đói năm 1945. Trôi dạt nhiều nơi rồi định cư bên bờ Mê Kông. Qua bao thăng trầm của những năm tháng chiến tranh, gia đình Thavorn trôi dạt qua tận Thái Lan.
Anh em Thavorn sinh ra và lớn lên ở Mukdahan (Thái Lan). Trong hàng chục năm, những gia đình người Việt ở đây không được nhập tịch, không được làm những nghề mà chính phủ không cho phép, không được đi ra khỏi thị xã quá 3 cây số…
Chiến tranh qua đi, sau khi được nhập tịch và chính phủ nới lỏng các rào cản với Việt kiều, Thavorn học và lấy được bằng cử nhân thương mại. Tôi gặp Thavorn lúc anh làm hướng dẫn viên du lịch tuyến đường Xuyên Á vào năm 2006, lúc chiếc cầu Hữu Nghị số 2 vừa nối liền tỉnh Mukdahan và Savannakhet đi Việt Nam.
Mùa thu bên dòng Mê Kông |
Quốc lộ 13 dài 500 km chạy từ thủ phủ Savannakhet đến thủ đô Vientiane của xứ triệu voi, dọc theo bờ Đông sông Mê Kông theo hướng Nam - Bắc. Chúng tôi chạy ôtô, theo lý thuyết chỉ mất khoảng 8 giờ, nhưng không thể vậy giữa một mùa thu với quang cảnh đẹp nao lòng. Chưa kể phải dừng lại ở các đô thị nhỏ như Thakhek (tỉnh Khammuane) hay Pakxan (Bolikhamsai) trước khi đến thủ đô.
Ở Thakhek là ngã ba chạy về đèo Keo Nua để xuống Quảng Bình hay Hà Tĩnh, còn ở Pakxan sẽ đi về Nghệ An. Qua khỏi các khu đô thị là những cánh rừng già xanh ngút mắt. Quốc lộ 13 qua khỏi các đô thị, các cánh rừng nhô ra sát mép bờ sông Mê Kông, mà những ai yêu thích phong cảnh không thể không dừng lại để ngắm nhìn hay chụp ảnh hoặc ghé mua những loại hải sản khô đánh bắt từ sông lên bày bán dọc đường, như cá chép, cá hô, cá tra...
Một tiệm ăn của người gốc Việt ở Savannakhet |
Trong một nhà hàng ở khu vực Naxay có một tiệm ăn với các món cá bắt ở sông Mê Kông được chế biến tại chỗ với giá khá rẻ và hợp khẩu vị người Việt. Hỏi ra mới biết, chủ quán và các con là những hậu duệ đời thứ 3 và thứ 4 của những người Việt đã sang đây từ đầu thế kỷ trước. Gặp đồng hương, họ chuyển sang nói tiếng Việt lơ lớ giọng Lào khiến tôi không khỏi xúc động…
Người Việt hoặc người Lào làm nghề đánh cá nhiều đời ở vùng này và mang sản phẩm đánh bắt được bán cho các nhà hàng. Họ bảo cá trên sông Mê Kông ngon nhất và không thể nào ăn hết. Nhưng từ khi xuất hiện ngày càng nhiều hồ thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông, các loại cá quý hiếm và lớn trên sông cạn kiệt dần…
Đứng nhìn theo dòng sông mẹ Mê Kông mùa thu này, gặp những con người, nghe những câu chuyện và trông cảnh vật, tôi chạnh nghĩ đến những số phận gắn liền nhau theo một dòng chảy của cả sông và lịch sử của một Đông Dương bi tráng.
Tác giả: Trương Điện Thắng
Nguồn tin: Báo Người lao động