Theo các nhà nghiên cứu, múa rối nước là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu cho nền văn hóa cổ truyền dân tộc, thể hiện trí tuệ và sự thông minh, sức sáng tạo trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Múa rối nước ra đời từ thời các vua Hùng dựng nước và phát triển mạnh nhất vào thời đại văn hóa Lý, Trần.
Sự hình thành của nghệ thuật múa rối nước bắt nguồn từ các nghi lễ, tín ngưỡng cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng.
Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay các phường múa rối, nhà hát múa rối nước từ ao làng, ao đình cùng các trò diễn dân gian vẫn luôn tồn tại, khẳng định sức sống lâu bền để rồi kết tinh thành một di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc.
Biểu diễn nghệ thuật múa rối nước ở Nhân Hòa |
Theo các tài liệu còn lưu giữ, năm Nhâm Tý 1911, cụ Nguyễn Văn Ngại, người làng Nhân Mục (xã Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là người đầu tiên thực hiện việc biểu diễn múa rối sau khi đi xem và học hỏi ở các phường rối khác. Thời kỳ đó, con rối chủ yếu làm bằng rơm rạ, giấy bồi và biểu diễn trên cạn. Sau đó các cụ tìm các vật liệu nổi, tạo hình con giống và tổ chức biểu diễn dưới ao, hồ và rối nước xuất phát từ đó.
Trong những năm trước cách mạng tháng 8/1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh loạn lạc, đời sống khó khăn nên múa rối nước ít được biểu diễn và có nguy cơ thất truyền. Hòa bình lập lại, hoạt động biểu diễn rối nước ở đây được duy trì và dần phát triển với sự tìm tòi, sáng tạo mới. Từ những năm 1961-1965, rối nước xã Nhân Hòa được đi biểu diễn ở nhiều địa phương và được hoan nghênh, cổ vũ, động viên qua các tiết mục đặc sắc như chồng người, múa tiên, lân tranh cầu,…
Năm 1978, Phường múa rối nước Nhân Hòa chính thức được thành lập, năm 1991 đã truyền dạy nghệ thuật múa rối nước cho Đoàn múa rối Hải Phòng. Năm 2000 được kết nạp là thành viên thứ 12 của Hiệp hội múa rối Unima Việt Nam và được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà thủy đình, đào tạo nghề cho các diễn viên, nhạc công, và tạo hình con rối. Phường múa rối nước đã phát huy tốt khả năng của mình, nâng cao nghệ thuật biểu diễn, trở thành sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước trong tuyến du khảo đồng quê Hải Phòng, trung bình hàng tháng đón khoảng 20 đoàn khách, có tháng cao điểm đón khoảng 40-50 đoàn. Quá trình phục vụ và tham gia các hội thi, hội diễn, Phường múa rối nước Nhân Hòa đã đạt được những thành tích đáng khích lệ như được tặng Bằng khen của Bộ Văn hóa, Cục biểu diễn nghệ thuật; huy chương vàng, huy chương bạc trong các hội diễn toàn quốc…
Lịch sử nghệ thuật múa rối nước xã Nhân Hòa luôn gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của nghệ thuật múa rối nước dân tộc, được người dân Nhân Hòa học hỏi, sáng tạo, giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ. Trải qua thời gian, đến nay, múa rối nước đã trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc ở Nhân Hòa, thu hút được sự quan tâm của người dân và du khách.
Với những giá trị rất nhiều mặt, Múa rối nước Nhân Hòa đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo tồn, phát huy giá trị.
Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “múa rối nước ở Nhân Hòa” |
Ngoài múa rối nước Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có những di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng qua thời gian như: Đình Cung Chúc (xã Trung Lập), ngôi đình có kiến trúc độc nhất vô nhị được công nhận Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1968; Khu di tích và đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học) là quần thể các công trình kiến trúc - văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1991; Miếu Bảo Hà (xã Đồng Minh) nổi tiếng với pho tượng có thể đứng lên ngồi xuống, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1991; …
Tác giả: Vũ Ba
Nguồn tin: Báo Công lý