Xe

Mua ô tô cầm đồ: Cú liều mạng mất tiền tỷ

Hết hạn cầm cố, khách không đến chuộc, các tiệm cầm đồ hoàn toàn có thể bán được, dù không có giấy tờ gốc đi theo. Và thật mạo hiểm cho những ai dám mua loại xe này sử dụng.

Dịch vụ cầm đồ đang mọc lên khắp nơi. Đây là nghề kinh doanh có điều kiện, với các quy định rất chặt chẽ, tuy nhiên, kinh doanh cầm đồ hiện nay lại ẩn chứa nhiều hoạt động ngầm, vi phạm pháp luật, nhất là cầm cố ô tô xe máy vốn đòi hỏi tính hợp pháp cao.

Không chính chủ vẫn cầm cố

Hầu hết các tiệm cầm đồ hiện nay sẵn sàng cầm tài sản là các loại ô tô, xe máy không cần giấy tờ chính chủ, thậm chí không có giấy tờ, xe ăn trộm, ăn cắp, xe đi thuê, mượn...

Hoạt động này cũng chẳng cần giấu diếm mà quảng cáo công khai bằng các tờ rơi, dán khắp mọi ngõ ngách, hay trên các trang mạng.

Những quảng cáo như: nhận cầm xe máy và ôtô không chính chủ; xe đã thế chấp giấy tờ ở ngân hàng; xe không giấy tờ; cầm giấy tờ, không giữ xe... có thể tìm thấy khắp mọi nơi.


Tiệm cầm đồ mọc lên khắp nơi.


Tại 1 tiệm cầm đồ ở Ngã Tư Sở (Thanh Xuân - Hà Nội), khi đặt vấn cầm xe máy Honda Air Blade đời 2011, sau 1 hồi xem xét, chủ cửa hàng hỏi có giấy tờ chính chủ không, nếu có được cầm tối đa 15 triệu. Nếu không chính chủ chỉ 10 triệu, còn không giấy tờ, cũng được, nhưng chỉ 5 triệu thôi.

Lãi suất cũng thay đổi theo... độ tin cậy của giấy tờ. Giấy tờ chính chủ, lãi khoảng 1.000 đồng/1 triệu/ngày, không giấy tờ thì có thể tới 3.000 đồng/triệu/ngày... Lãi suất này tương đương với mức từ 3%-9%/tháng.

Tại những cơ sở khác trên đường Láng, Giải Phóng, Lê Thanh Nghị cũng tương tự. Muốn cầm xe máy hay ô tô đều được, khỏi cần chính chủ, chỉ cần chứng minh nhân dân là chấp nhận. Xe được định giá bằng mắt thường của các nhân viên cửa hàng và cho vay tối đa bằng 80% giá trị thẩm định.

Ai có nhu cầu đều có thể đem tài sản đến thế chấp để vay tiền. Thủ tục rất nhanh gọn, trong vòng nửa giờ là xong hết. Chỉ có hình thức cầm giấy tờ xe, không cầm xe, bắt buộc phải ra công chứng, làm hợp đồng là tốn nhiều thời gian hơn.

Chính sự dễ dãi, nên từ lâu, nhiều tiệm cầm đồ chính là nơi tiếp tay cho kẻ trộm cắp, kẻ gian, lấy cắp, hay thuê, mượn ô tô, xe máy của người khác, rồi đem thẳng tới tiệm cầm đồ cầm lấy tiền chi tiêu cá nhân, để cho các khổ chủ phải điêu đứng.

Mới đây, công an đã bắt một nhóm lừa đảo thuê ô tô tự lái ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định... lái lên khu vực Tây Nguyên (Gia Lai hoặc Kon Tum), đem thế chấp tại các tiệm cầm đồ với giá rẻ, lấy tiền tiêu xài. Có đến cả chục chiếc ô tô của các cơ sở cho thuê xe tự lái, đã bị nhóm này đem cầm, với giá chỉ hơn trăm triệu đồng mỗi xe.

Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... nhiều kẻ gian đã lợi dụng thuê ô tô tự lái và đem thẳng đến tiệm cầm đồ, cầm lấy hàng trăm triệu, thậm chí còn nhắn chủ xe đem tiền đến chuộc xe về. Cùng với đó, hiện tượng nhiều kẻ xấu, mượn xe của người thân, bạn bè đem đi cầm cố, cũng không hiếm, khiến người cho mượn điêu đứng, mất nhiều công sức mà khó có thể đòi lại chiếc xe của mình.

Ai dám mua xe cầm đồ

Tại TP Thanh Hóa, lực lượng Công an, sau 1 tháng kiểm tra các tiệm cầm đồ, đã phát hiện và xử lý 34 cơ sở vi phạm, tạm giữ 96 xe máy cầm cố sai quy định. Trong đó đa số tập trung vào các lỗi vi phạm như cầm cố tài sản không đúng quy định, xe máy không chính chủ, không làm hợp đồng cầm cố...

Dân trong nghề kinh doanh cầm đồ cho biết, đây là một nghề kiếm ăn được, nhưng rất phức tạp, thường xuyên phải giao dịch với những đối tượng nguy hiểm hay phạm tội.

Tài sản các đối tượng này mang đi cầm cố, hầu hết là không đủ điều kiện pháp lý, nên các chủ cầm đồ thường xuyên vi phạm. Nếu làm đúng luật, kiểm tra thì hầu hết các tiệm cầm đồ tư nhân hiện nay, đều có sai phạm và sai phạm nhiều nhất chính là với ô tô, xe máy, bởi những tài sản này luôn đòi hỏi phải có giấy tờ chính chủ đi kèm.



Theo quy định pháp luật, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia, để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Việc cầm cố tài sản chỉ được thực hiện, khi một bên giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên kia. Các cửa hàng cầm đồ chấp nhận cầm đồ không rõ nguồn gốc, không chính chủ là vi phạm quy định của pháp luật. Không phải các chủ cửa hàng không biết, nhưng vì lợi nhuận cao nên sẵn sàng, bất chấp tất cả.

Một chiếc Honda Civic đời 2010, khách mang đến tiệm cầm đồ, vay 200 triệu đồng, do có giấy tờ chính chủ nên lãi suất là 1.000 đồng/triệu/ngày.

Như vậy mỗi ngày, khách hàng sẽ phải trả tiền lãi 200.000 đồng và mỗi tháng là 6 triệu đồng, chưa kể gốc. Nhưng nếu xe không chính chủ, lãi suất sẽ tăng lên tới 2.000 đồng, thậm chí là 3.000 đồng/triệu/ngày, thì mỗi tháng khách hàng sẽ phải trả từ 12- 18 triệu đồng riêng tiền lãi.

So với xe có giấy tờ chính chủ thì cầm xe không chính chủ lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Không những thế nếu không trả được lãi vay và gốc đúng hẹn, chiếc xe sẽ bị bán. Các tiệm cầm đồ hoàn toàn có thể bán được, dù không có giấy tờ gốc đi theo. Và thật mạo hiểm cho những ai dám mua loại xe này sử dụng.

Bỏ ra trăm triệu hay tiền tỷ mua xe không giấy tờ, giấy tờ không chính chủ người mua vi phạm pháp luật, có thể bị đòi hay tịch thu bất cứ lúc nào.

Ông Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, lãi suất cho vay hiện nay tại các ngân hàng thương mại chỉ 8-13%/năm, nhưng lãi suất cho vay tại các tiệm cầm đồ gấp 3-8 lần, là quá cao. Không loại hình kinh doanh nào có siêu lợi nhuận như lĩnh vực cầm đồ, ngược lại, người đi vay sẽ phải chịu rủi ro rất lớn.

Tác giả bài viết: Trần Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok