Trong nước

Mưa lớn gây lún, nứt trên Quốc lộ nghìn tỷ ở Quảng Ninh

Taluy đường quốc lộ 18 bị sạt lở, mặt đường xuất hiện tình trạng lún nứt nghiêm trọng; hơn chục ngôi mộ bị sập đổ, hàng chục hộ dân phải di dời… đó là hậu quả của mưa lớn đang gây ra tại Quảng Ninh.

Mưa như trút đầu tháng 7, Quảng Ninh xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở khá nghiêm trọng.

Hiện trường hơn chục ngôi mộ tại nghĩa trang Đèo Sen bị sập đổ.

Như Dân Việt đã đưa tin, tại nghĩa trang Đèo sen tại TP.Hạ Long, mưa lớn đêm 7.7 khiến dãy kè đá nghĩa trang Đèo Sen (phường Hà Khánh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bất ngờ đổ sập trút xuống các ngôi mộ đã sang cát bên dưới khiến hơn chục ngôi mộ bị sập, vỡ.

Tra đổi với phóng viên sáng 9.7, ông Nguyễn Trung Kiên – Bí thư phường Hà Khánh, TP.Hạ Long cho biết: Chính quyền phường phối hợp với đơn vị quản lý nghĩa trang kiểm tra hiện trường và đã báo các gia đình có mộ bị ảnh hưởng. Hiện nghĩa trang đang tiến hành xây lại dãy kè đá bị sập, một số ngôi mộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã được di dời theo ý kiến của gia đình.

Mặt đường quốc lộ 18 mới, do Công ty Cổ phần BOT Biên Cương đang thi công bị lún, nứt. (Ảnh: Trung Nguyên)

Rạng sáng 8.7, 6 hộ dân thuộc tổ 6 khu 2 phường Cửa Ông, TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) phải khẩn cấp di dời. Sau đêm mưa như trút, vào sáng 8.7, một mảng đồi đúng vị trí tổ 6 khu 2 đã bị tụt xuống, cùng với nhiều vết nứt xuất hiện trên đoạn đường 18 mới do Công ty Cổ phần BOT Biên Cương đang thi công Dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương (Quảng Ninh).

Ông Vũ Quyết Tiến - Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết: Sự cố sạt lở trên rất may không có thiệt hại về người. Các lực lượng chức năng đã tiến hành phân làn trên tuyến quốc lộ 18A, phủ bạt những vị trí bị sạt lở tránh mưa lũ xói mòn, sử dụng kè đá và bao cát tạm thời ngăn chặn sự cố.

Điểm sạt lở mới xảy ra trong đêm 8.7 tại khu vực dân sinh thuộc tổ 6, khu 2 phường Cửa Ông, TP.Cẩm Phả. (Ảnh: Nguyễn Quý)

Kiểm tra thực địa, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu lãnh đạo TP.Cẩm Phả phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, đơn vị thi công nhanh chóng triển khai biện pháp khắc phục sạt trượt; thực hiện túc trực 24/24h để theo dõi; có biện pháp phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian xử lý.

Ngoài những điểm mới, Quảng Ninh còn hàng chục điểm sạt lở đã được cảnh báo.

Tường nhà và bếp nhà anh Vũ Đình Nghĩa (khu Vũ Môn, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả) bị nứt toác do nằm trong vùng sạt lở, khai thác than.(Ảnh: Nguyễn Quý).

Thôn Khe Sím, xã Dương Huy, TP. Cẩm Phả có 209 hộ dân, trong đó có 83 hộ nằm trong điểm ngập lụt, sạt lở. Từ tháng 6.2016, thực hiện Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, Sở Xây dựng, UBND TP. Cẩm Phả và Trung tâm Điều hành sản xuất tại Quảng Ninh (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) đã tiến hành kiểm tra, rà soát, thống nhất di dời toàn bộ các hộ dân trong vùng nguy hiểm ra nơi an toàn. Quá trình di dời được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 được thực hiện năm 2016, gồm 48 hộ dân ở các xóm Trạm Điện, Ngã Ba và xóm Lép Mỹ. Giai đoạn 2 là các hộ còn lại thuộc xóm Cầu Gỗ. Thế nhưng, cho đến nay, phần lớn các hộ dân trong danh sách di dời giai đoạn 1 vẫn…ở nguyên chỗ cũ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện kiểm tra, chỉ đạo nhanh chóng khắc phục các điểm sạt trượt. (Ảnh: QNP)

Tại huyện Đầm Hà - địa phương miền núi ven biển có địa hình phức tạp, nhiều núi cao, độ dốc lớn, sông, suối nhiều, nên vào mùa mưa lũ thường xảy ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét. Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 15 điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét làm ảnh hưởng tới 85 hộ dân với 293 nhân khẩu. Trong năm 2016, dù đã thực hiện Đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, nhưng huyện Đầm Hà mới chỉ tổ chức di dời được 5 hộ, trong đó có 1 hộ di dân tái định cư tập trung tại thôn Làng Ngang, xã Quảng An; 4 hộ di dân nội thôn tại xã Quảng Lâm.

Một cán bộ huyện Đầm Hà cho biết, trong số 85 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở thì hiện nay có 18 hộ có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét trong mùa mưa bão, thuộc 2 xã Quảng Lâm (1 hộ) và Quảng An (17 hộ). Nhiều khả năng 18 hộ này vẫn chưa được di dời trước mùa mưa bão năm nay.

Theo số liệu tổng hợp của UBND tỉnh Quảng Ninh, nhu cầu di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm trên địa bàn tỉnh là 2.122 hộ (85 vị trí). Tổng chi phí thực hiện dự kiến là 2.173 tỷ đồng, bao gồm chi phí thực hiện Đề án di dân và chi phí đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, cải tạo hệ thống thoát nước. Nguồn vốn thực hiện Đề án được trích từ ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương và vốn từ các đơn vị ngành than.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok