M.U đã thua 7 trong 9 trận gần đây - Ảnh: Reuters |
"Bình thường" còn có nghĩa: M.U phải hướng đến những điều quan trọng vừa nêu bằng một con đường bóng đá thuần túy, trực tiếp và cụ thể. Không làm được những điều đơn giản như thế thì thất bại là tất yếu. Người ta cứ hay ca ngợi những điều viển vông, đại khái như M.U phải có "dòng máu Quỷ Đỏ chạy rần rật trong huyết quản"; "M.U có bản năng thắng ngược, trong những giây phút quyết định nhất", vân vân và vân vân.
Tóm lại, những khái niệm ấy có ý nghĩa gì? Một là vô nghĩa, rỗng tuếch. Hai là: nếu những người ngay trong nội bộ M.U quả cũng suy nghĩ như vậy, thì đấy chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại. Bởi đấy chắc chắn không phải là một đội bóng. Còn gì... phản khoa học hơn là một đội có "dòng máu Quỷ Đỏ"?
Trong bóng đá, quả có những đội... không bình thường, và họ thành công bằng đặc điểm riêng của mình. Ví dụ như Ajax Amsterdam. Ai muốn ứng cử chức danh HLV trưởng ở đội bóng này phải trải qua một cuộc phỏng vấn nghiêm túc, như một "bài test" để các giám đốc bảo đảm được rằng quan điểm huấn luyện của nhân vật ấy phù hợp với triết lý Ajax. "Lò trẻ" Ajax có hẳn trường học để các cầu thủ năng khiếu vừa có đủ kiến thức văn hóa vào đời sau này, vừa am hiểu ngay từ độ tuổi 15, rằng triết lý bóng đá của Ajax là như thế nào. Ở "lò" Barcelona, mọi đứa trẻ đều được trang bị tư duy bóng đá hoàn toàn trùng khớp với tư duy chơi bóng của đội lớn Barcelona. Ở Bayern Munich, các giám đốc cứ phải làm sao để đa số hảo thủ trong làng bóng Đức đều phải quy tụ về đội này.
Bayern Munich là nơi quy tụ các tài năng của bóng đá Đức - Ảnh: Reuters |
Đấy mới là các đội bóng tạm gọi là "có ADN". Làm được như họ, chưa chắc đã... hay ho gì. Vấn đề ở đây là những cách làm ấy đều có cơ sở thực tế và mục đích rõ rệt. Thị trường quá bé của Hà Lan khiến Ajax không thể chạy theo các đội bóng lớn bên ngoài, nên họ phải tạo nét riêng để luôn đứng vững trong nước (cạnh tranh với PSV, đội bóng phát triển theo một hướng khác, do hãng Philips đài thọ). Bayern "vô đối" ở Đức bởi tuyệt đại đa số các CLB trong nền bóng đá này thuộc sở hữu công cộng, tư nhân muốn rót tiền vào đội bóng cũng chẳng được. Ở Barcelona, phải có nét riêng xuyên suốt vì Barcelona "còn hơn cả một đội bóng". Mục tiêu chính trị (xứ Catalonia đòi ly khai) khiến nét riêng của Barcelona còn quan trọng hơn cả các danh hiệu.
Chứ như M.U mà cứ đòi phải "chuẩn M.U" thì quá mơ hồ. Nói thẳng ra thì M.U chẳng hề có chuẩn mực nào. Chỉ vì là cầu thủ cũ của M.U mà Ole Gunnar Solskjaer trở thành "niềm hy vọng" thì đấy chính là chi tiết đầu tiên để dự báo M.U sẽ... không ngóc đầu lên nổi. Ở tuổi 46, Solskjaer mà biết huấn luyện thì ông đã vang danh từ lâu rồi. "Dòng máu M.U" ư? Đại đa số trong hơn 30 cựu cầu thủ M.U từng chơi bóng dưới thời Alex Ferguson đều đã trở thành những HLV... kém cỏi. Duy nhất có Laurent Blanc tạm được (và Blanc chỉ đến M.U để "dối già" ở tuổi 36, chẳng bao giờ là một sản phẩm thực sự của Ferguson).
Solskjaer không thực sự là một HLV giỏi - Ảnh: Reuters |
Sau Ferguson, M.U toàn chọn những HLV có sẵn danh tiếng, nên thất bại, vì quy luật đào thải rất khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao đòi hỏi những HLV "sẽ" giỏi chứ không phải "đã" giỏi. Cầu thủ giỏi thì M.U không thiếu, cũng không nhất thiết phải đặt vấn đề nên mua ai, bán ai. Vấn đề chỉ là: lực lượng thế nào cho thành một đội bóng chứ không phải một mớ hổ lốn, thì đấy là do HLV quyết định. Chọn HLV thế nào cho đúng thì đấy lại là việc của giám đốc thể thao (M.U không có chức danh này, đấy là việc của phó chủ tịch điều hành Ed Woodward).
Sau khi "tổng quản" Alex Ferguson giải nghệ và CEO David Gill cũng bỏ đi vào năm 2013 thì ở M.U hình như chẳng còn ai hiểu về bóng đá nữa. Cái giỏi của Woodward và cái giàu của gia đình Glazer (chủ sở hữu đội bóng) đều chỉ thuộc lĩnh vực tài chính. Thế là M.U hỏng bét trong lĩnh vực bóng đá. Và mọi thành phần liên quan trong "thế giới M.U" chỉ biết than khóc cho cái "bản sắc M.U" - vốn không hề có thật!
Tác giả: Ngũ Viên
Nguồn tin: Báo Thanh Niên