Trong lần trình diện đầu tiên trước Tòa thượng thẩm quận Columbia, người này bị cáo buộc “xâm nhập khu vực cấm trong khi sử dụng hoặc mang theo một vũ khí nguy hiểm”. Thẩm phán cũng cho rằng Tran có nguy cơ bỏ trốn nên đã ra lệnh tạm giam và không được bảo lãnh cho đến khi tiếp tục ra tòa vào ngày 13.3 (giờ Mỹ).
Phát ngôn viên của Văn phòng chưởng lý quận Columbia, ông Bill Miller cho hay Tran có thể đối mặt mức án tối đa 10 năm tù nếu bị kết tội.
Qua mặt hàng rào an ninh
Trước đó, vào ngày 11.3, mật vụ Mỹ thông tin về vụ một cá nhân không rõ danh tính đã leo qua hàng rào bao quanh Nhà Trắng trong lúc ông Trump đang có mặt tại đây. Đài ABC News dẫn tài liệu tòa án cho biết nghi phạm bị phát hiện “đang đi bộ từ phía đông của khu vực phía nam Nhà Trắng”, địa điểm tổng thống thường phát biểu trước công chúng. Tài liệu tòa án được công bố vào sáng 12.3 (giờ Việt Nam) cho hay một mật vụ mặc thường phục đã phát hiện Tran, khi đó ở cách 183 m tính từ vị trí đột nhập.
Mật vụ Mỹ từ chối trả lời những câu hỏi về việc bằng cách nào người này có thể đi sâu vào khuôn viên Nhà Trắng mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, camera an ninh cho thấy Tran nhảy qua hàng rào gần trụ sở Bộ Tài chính Mỹ, tiếp giáp với Nhà Trắng. Có lúc nghi phạm nấp đằng sau cây cột của Nhà Trắng trước khi đi đến cổng vào phía nam. Kế đến, người này phát hiện một mật vụ mặc đồng phục nên đổi hướng tiến về bãi cỏ phía nam. Đây cũng là nơi Tran bị chặn lại, và sau đó trả lời chất vấn của mật vụ rằng: “Tôi là bạn của tổng thống. Tôi có hẹn với ngài ấy”. Khi được hỏi bằng cách nào vào được đến tận đây, Tran trả lời: “Tôi nhảy rào”, theo cáo trạng.
Vào thời điểm bị bắt, kẻ xâm nhập mang theo người 2 bình xịt hơi cay trong túi áo khoác, đeo ba lô chứa một hộ chiếu Mỹ, một laptop hiệu Apple, một quyển sách do ông Trump viết. Kiểm tra máy tính của Tran, các nhân viên an ninh phát hiện một bức thư gửi ông Trump, trong đó đề cập đến “các tin tặc người Nga” và cam đoan anh ta có thông tin xác đáng về vụ việc. Nghi phạm cho rằng mình đang bị một thế lực nào đó theo dõi, và rằng “bên thứ ba đã xem lén các trao đổi qua điện thoại, thư điện tử”. Tran cũng khai với một mật vụ rằng anh ta bị xem là kẻ tâm thần phân liệt.
Nghi phạm vừa mất việc
Phóng viên tờ The Mercury News tìm đến nhà riêng của nghi phạm ở khu lao động của thành phố Milpitas và một phụ nữ đã mở cửa. Tuy có một nhóm các thành viên trong gia đình đang ngồi yên lặng trong nhà, nhưng một phụ nữ cho hay họ không muốn đề cập đến vụ việc. Láng giềng cũng từ chối nhận xét về Tran. Bà Pat Lopes Harris, phát ngôn viên của đại học bang tại San Jose, xác nhận đương sự tốt nghiệp vào năm 2014 với bằng kỹ sư điện tử.
Trong khi đó, Đài CNN dẫn lời em trai 19 tuổi của Tran cho biết anh mình vừa bị sa thải khỏi công ty chuyên về ngành kỹ thuật điện và đang trong tình trạng tinh thần hỗn loạn.
Theo Reuters, mật vụ Mỹ khẳng định nghi can trên chưa từng bị bắt giữ hoặc gặp rắc rối với các yếu nhân được lực lượng này bảo vệ. Phản ứng trước vụ xâm nhập, Tổng thống Trump tuyên dương “lực lượng mật vụ Mỹ đã hoàn thành công việc hết sức ấn tượng vào đêm qua”, và mô tả nghi phạm là “một người có vấn đề”.
Hàng rào chống xâm nhập của Nhà Trắng Trong 2 năm qua, nhiều người từng thử xâm nhập dinh thự được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới, và cũng có trường hợp thành công. Nguy hiểm nhất là vụ một người tên Omar Gonzalez vào ngày 19.9.2014 đã giắt dao trong túi, leo rào và đi sâu vào Nhà Trắng đến gần Phòng Đông trước khi bị trấn áp. Phía an ninh cũng tìm thấy thêm 2 cây rìu, một cây dao rựa và 800 viên đạn trong ô tô nghi phạm. Theo Reuters, giám đốc mật vụ Julia Pierson đã từ chức 2 tuần sau đó. Đến năm ngoái mật vụ Mỹ lắp thêm cọc nhọn lên hàng rào cao gần 2 m bao quanh Nhà Trắng. Cơ quan này cũng tuyên bố kế hoạch nâng độ cao của hàng rào bảo vệ lên mức 3,35 m vào năm 2018. |
Tác giả bài viết: Thụy Miên
Nguồn tin: