Những ngày này, tới các vùng trồng cau nổi tiếng số 1 Việt Nam là huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) mới thấy được sự rộn ràng của người dân nơi đây vì cau có giá cao “ngất ngưởng”.
Tại xã Cao Nhân, nơi có truyền thống trồng và chế biến thô các sản phẩm về cau từ lâu đời, khắp trong làng, ngoài ngõ, hoạt động thu mua cau tươi khá nhộn nhịp. Những chiếc xe máy trở đầy cau tươi từ các nơi di chuyển, tập kết về các điểm cân cau. Những lò sấy rực lửa ngày đêm, hết công suất để có đủ cau xuất đi Trung Quốc.
Không khí mua bán nhộn nhịp khi cau tươi được giá. |
Theo người dân ở đây, chưa năm nào giá cau tươi tăng cao kỷ lục và kéo dài như năm nay, lên đến 80-90 nghìn đồng/kg gồm cả cành, gấp tới 4 lần năm trước. Cứ mỗi tạ cau tươi đổi được một chỉ vàng.
Ngước nhìn những chùm cau lúc lỉu in trên nền trời thu xanh biếc, ánh mắt bà Đặng Thị Xuyên (64 tuổi) ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) rạng ngời niềm vui. Từ khu ao cạnh bờ sông Hòn Ngọc, gia đình bà đã đắp đập be bờ hút bùn sông, tạo nên những luống đất thịt màu mỡ để trồng cau, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Vườn cau mới trồng hơn 6 năm đã cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng của nhà bà Xuyên. |
Mới trồng được hơn 6 năm, khu vườn 300 gốc cau với diện tích khoảng 7 sào đất, chi phí trồng chỉ hơn chục triệu đồng nhưng mỗi năm bà Xuyên có thể thu về hơn 100 triệu đồng.
Bà Xuyên cho biết, sau 3 năm trồng là cây cau cho thu quả. Năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến loạt cau to bị rụng, còn lại là cau nhỏ, bây giờ mới bắt đầu thu hoạch. Cây sai quả thì thu được 30 kg/cây, cây ít quả thì cũng được khoảng 10kg.
Trung bình mỗi cây cau sẽ cho thu hoạch khoảng 15kg quả. Với 300 cây cau trong vườn, sẽ cho thu hoạch trên 4 tấn quả, mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng. Nếu không có trận bão “kinh thiên động địa” thì có lẽ sản lượng còn cao hơn nữa.
Nhờ cây cau, những năm gần đây, đời sống gia đình bà ổn định rất nhiều. Với tuổi thọ 30-40 năm, vườn cau sẽ đồng hành với tuổi già của ông bà cũng vài chục năm nữa.
Dưới tán cau, bà Xuyên trồng quất hái quả bán, mỗi tháng cũng kiếm vài triệu đồng. |
Ngoài những hàng cau cao sừng sững giữa trời xanh mây trắng, hàng trăm triệu đồng mỗi vụ thì bà Xuyên còn phủ xanh gốc cau những cây quất xanh rì, trĩu trịt quả.
Bà Xuyên cho biết thêm, ngoài thu nhập từ quả cau thu tập trung từ tháng 7 đến cuối năm thì cây quất cho bà thu nhập quanh năm. Với giá bán khoảng 15 nghìn đồng/kg, mỗi ngày thu vài chục cân cũng giúp bà thu vài triệu/tháng.
Là một trong vườn cau hiếm hoi còn sai quả trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, vườn cau rộng gần mẫu ruộng của anh Hoàng Văn Quang ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên cũng cho thu hơn mức trung bình 15kg/cây.
Nhờ cau tăng giá, anh Hoàng đã thu được hơn 800 triệu đồng từ bán cau trước đợt bão số 3. “Với giá cau hiện tại, 1 tạ cau tươi đổi được 1 chỉ vàng”, ông Quang phấn khởi.
Nhờ cau được giá, người dân xã Cao Nhân thắng lớn, thu hàng chục tỷ đồng/vụ. |
Phó chủ tịch UBND xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Tiến cho biết: Xã Cao Nhân có truyền thống trồng và chế biến thô các sản phẩm về cau từ lâu đời. Nhà nào cũng có vườn, vườn nào cũng trồng cau.
Cùng với đó, xã Cao Nhân có ít đất trồng lúa và rau màu, cây trồng chính là cau. Đây cũng là nguồn thu nhập chính, làm giàu cho người dân địa phương.
“Hiện xã có hơn 1.100 hộ trồng cau với tổng diện tích gần 66 ha với hơn 124 nghìn cây cau trưởng thành ước tính sản lượng hàng năm hơn 415 tấn cau, tiêu thụ tại chỗ và trong nước, giá trị ước đạt gần 30 tỷ đồng”, ông Tiến thông tin.
Tác giả: Nguyễn Thương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn