Giữa vườn keo lá tràm xanh mát ở thôn 2, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, trại ong của anh Trần Hữu Hải với 400 thùng nuôi được 3 năm. Trước đây giá mật ong từ 40-50 ngàn đồng/kg, mỗi năm anh thu hàng trăm triệu đồng. Trừ chi phí, anh lãi cũng được hơn trăm triệu đồng.
Trại ong của anh Hải đang cho thu hoạch nhưng ông chủ không đến chăm sóc |
Anh Hải cho biết, năm 2014 lúc đó mật ong có giá, 1 thùng mỗi tuần anh quay mật một lần được từ 3-5 lít mật ong, mỗi tháng quay mật từ 3-4 lần tùy mùa. Từ 100 thùng mật ban đầu, qua vài năm anh đã nhân đàn lên 400 thùng mật như hiện nay.
Theo anh Hải, giá mật ong thường dao động ở mức 30-50 ngàn đồng mỗi kg tùy năm. Tuy nhiên, từ đầu mùa mật 2017 đến nay, các công ty thu mua mật ở các nơi đến thu mua để xuất khẩu đã “biến mất”, không còn “bóng dáng” ở địa phương để thu mua mật khiến mật rớt giá thê thảm.
Cụ thể, trước đây giá từ 35-45 ngàn đồng mỗi kg mật (khoảng 1,4 lít) thì nay chỉ còn trên dưới 10 ngàn đồng/kg. Giá giảm khiến mật ong tồn hàng ngàn lít trong dân, người nuôi ong bắt đầu bỏ đàn, không chăm sóc…
Trại ong khoảng 400 thùng nhưng giá quá rẻ nên anh Hải đành để ong tự ăn, chủ ong không quay mật |
Ở xã Sông Trà, ngoài anh Hải có đàn ong nhiều nhất còn có anh Trần Hữu Phận. Anh Phận cũng chung “số phận” với anh Hải khi hiện nay, anh cũng tồn mấy trăm lít mật trong nhà không bán được, đàn ong “bị anh bỏ vãi”, không chăm sóc để lấy mật như trước mà anh để tự ong đi kiếm ăn.
Anh cho biết, bình thường giá mật cao như trước đây người nuôi ong sẽ mua cám, bột về trộm thêm cho ong ăn để lấy mật hàng tuần, nay giá mật quá thấp nên anh không đầu tư mà để tự ong đi kiếm mật, được bao nhiêu được vì hiện những người nuôi ong như anh không còn quan tâm đến nữa gì giá mật quá thấp.
Theo những người nuôi mật ở xã Sông Trà cho biết, sở dĩ ở xã này người nuôi ong mật nhiều vì ở đây có rừng keo lá tràm và rừng tự nhiên phong phú là điều kiện tốt để nuôi ong mật đạt hiệu quả cao. Người dân cho biết, bình thường ở các nơi khác, mùa nuôi ong lấy mật chỉ từ 3-4 tháng nhưng ở vùng này, thời gian nuôi ong lấy mật kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.
Những thùng mật ong được thu hoạch nhưng không có ai đến mua |
Không những người dân địa phương nuôi ong lấy mật mà những người ở các tỉnh cũng đưa đàn ong đến vùng này nuôi khi đến mùa vụ cũng bởi ở đây có điều kiện tốt để nuôi ong.
Khi mật ong rớt giá, người nuôi ong thiệt đủ đường. Bình thường, khi giá mật ở mức có lãi, người nuôi ong ngoài lấy mật hàng tuần còn nhân đàn ong ra để bán. Vài tháng, một đàn ong chính được chủ nuôi nhân thêm một đàn nữa với kỹ thuật cho đẻ ong chúa.
Khi ong chúa lớn, người nuôi sẽ tách đàn. Mỗi đàn giá một triệu đồng, mỗi năm một đàn ong chính được tách ra thành 2-3 đàn ong cũng kiếm được khá nhiều tiền.
Khi mật không bán được, mật lấy được từ đàn ong được người dân giữ lại trong nhà, để đến mùa thấp điểm không có hoa, người dân sẽ lấy mật này cho ong ăn lại. Đây cũng là cách để giảm chi phí khi muốn giữ đàn ong mà không phải tốn kinh phí mua thức ăn cho ong.
Trao đổi với PV Dân trí về những khó khăn của người nuôi ong trên địa bàn xã khi giá mật hiện nay, ông Nguyễn Văn Lợi – Chủ tịch xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức) – cho biết, toàn xã trước đây có 2.100 đàn ong, nay chỉ còn khoảng 1.500 đàn ong với 8 hộ nuôi, chưa kể vài hộ nuôi từ các tỉnh khác đưa đàn đến nuôi theo mùa vụ. “Xã chỉ biết khuyến cáo nhân dân giảm đàn nuôi lại vì giá mật giảm sâu”, ông Lợi nói.
Còn ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Đức – cho biết, huyện không thể lo được chuyện thị trường, địa phương vẫn tạo điều kiện cho dân nuôi ong nhưng giá đầu ra thì chúng tôi không thể kiểm soát được.
Tác giả: Công Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí