Giáo dục

Một địa phương ban hành lệnh cấm ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về dạy thêm, học thêm. Trong đó, nội dung nổi bật là học sinh học thêm trên tinh thần tự nguyện và được sự đồng ý của phụ huynh, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

Theo báo Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 45/2023/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 14/12/2012.

Theo đó, Quyết định số 45 bãi bỏ Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 19 của Quy định về dạy thêm, học thêm tại Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND. Quyết định cũng bổ sung, sửa đổi một số điều liên quan đến công tác dạy thêm học thêm. Cụ thể, không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Trong trường hợp tổ chức dạy thêm thì phải dựa trên nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm của học sinh và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa.

Các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải chịu trách nhiệm về các nội dung xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Bình Dương cấm bắt ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.


Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Quy định của UBND tỉnh cũng nêu rõ, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Bên cạnh đó, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về việc học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.

Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung về mức thu, chi và quản lý tiền học thêm trong nhà trường. Mức thu tiền học thêm trong nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý; được thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh và nhà trường; bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy không ít hơn 80% tổng tiền thu. Đồng thời, trả tiền điện, nước, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất của nhà trường phục vụ dạy thêm, học thêm và công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường không nhiều hơn 20% tổng tiền thu…

Theo tin trên báo Pháp luật TP.HCM, cuối tháng 11, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ đang tiến hành với UBND tỉnh Bình Dương và các ngành, địa phương thuộc tỉnh này về tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương có tổng số hơn 24.700 công chức viên chức. Nhưng chỉ trong gần hai năm (từ tháng 1/2022 đến 9/2023), đã có đến 1.125 công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc. Đặc biệt, cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo có đến 70 người.

Trong đó, số viên chức thôi việc, bỏ việc trong ngành giáo dục là cao nhất, tiếp đó là ngành y tế.

Cũng theo báo cáo này, nguyên nhân thôi việc, bỏ việc của cán bộ công chức viên chức có nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là chính sách tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho bản thân và gia đình nên công chức, viên chức không có động lực gắn bó với công việc.

Tác giả: Bảo An (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok