Du lịch

Một biểu tượng trong truyền thuyết xuất hiện ở 7 tỉnh thành: Cảnh quan hùng vĩ, được xếp hạng di tích cấp quốc gia và câu chuyện cảm động phía sau

Không chỉ là những tảng đá bình thường, các địa điểm du lịch này thu hút du khách với câu chuyện đầy ý nghĩa cùng giá trị lịch sự và văn hóa đặc sắc.

Địa điểm du lịch khám phá hấp dẫn

Khi nghe về cái tên “Hòn vọng phu”, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến thắng cảnh nổi tiếng ở vùng đất Lạng Sơn, gắn liền với câu ca dao nổi tiếng: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng ở trên đất nước Việt Nam ta, không chỉ có một tượng đá độc đáo mang tên “Hòn vọng phu”.

Trong cuốn “Sổ tay địa danh Việt Nam” xuất bản vào năm 1998, tác giả Nguyễn Dược - Trung Hải đã thống kê trên cả nước có ít nhất 7 hòn vọng phu tại các tỉnh. Nhưng đương nhiên, hòn vọng phu ở Lạng Sơn gắn liền với cái tên “nàng Tô Thị” trong truyện cổ tích vẫn là nơi quen thuộc và được biết đến nhiều nhất.

Theo đó, 7 hòn vọng phu phân bố tại các tỉnh thành như: Hòn vọng phu trên đỉnh núi M'drak (Đắk Lắk), hòn vọng phu trên đỉnh núi Nhồi (Thanh Hoá), hòn vọng phu trên đỉnh núi Bà (Bình Định), hòn vọng phu ở Quảng Nam, hòn vọng phu núi đá Chồng (Tuy Hòa), hòn vọng phu bên bờ khe Giai, bản Cơ Lêc (Nghệ An) và hòn vọng phu Nàng Tô Thị (Lạng Sơn).

Hòn vọng phu ở Lạng Sơn.

Hòn vọng phu trên đỉnh núi Nhồi, thắng cảnh nổi tiếng ở Thanh Hóa.

Sự tích hòn vọng phu trong dân gian kể về nàng Tô Thị, ngày ngày lên đỉnh núi ôm con ngóng trông người chồng trở về, cuối cùng hóa thành tảng đá. Kể từ đó, tảng đá đứng sừng sững trên núi có hình dáng một người phụ nữ đang ôm một đứa trẻ được gọi là “hòn vọng phu”. Với câu chuyện phía sau đầy ý nghĩa và cảm động, hòn vọng phu trở thành một địa điểm thù vị và cuốn hút sự quan tâm của du khách.

Hình thức tham quan

Mặc dù cùng tên, nhưng hòn vọng phu mỗi nơi sẽ có ý nghĩa khác nhau trong lòng người dân địa phương, từ đó dẫn đến hình thức du lịch khác nhau của du khách. Tại Lạng Sơn, ngày nay tượng đá độc đáo này nằm trên ngọn núi Tô Thị, thuộc quần thể Khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, thành nhà Mạc. Từ năm 1962, khu di tích này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia.

Đến thăm núi Tô Thị, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp xứ Lạng từ trên cao và tìm hiểu thêm về câu chuyện nàng Tô Thị và cả khối đá hòn vọng phu. Người dân đặt những bát hương dưới chân tượng nàng Tô Thị để bày tỏ sự kính trọng dành cho người phụ nữ mang đậm tinh thần của phụ nữ Việt Nam. Nhiều du khách cũng đến đây nhằm cầu nguyện và mong ước những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống và cả tình yêu của mình.

Người dân và du khách đến núi Tô Thị, ghé thăm hòn vọng phu.

Tại Thanh Hóa, hòn vọng phu nằm trên đỉnh ngọn núi Nhồi, cách trung tâm thành phố 3km. Hòn vọng phu nơi đây nằm trong cụm di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 1992, bao gồm: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và Hòn Vọng Phu. Tuy nhiên, sau khi bị sét đánh trúng vào năm 2022, di tích này hiện đang có nguy cơ sụp đổ và cần được bảo tồn khẩn cấp.

Khác với hòn vọng phu ở Lạng Sơn hay Thanh Hóa, hòn vọng phu ở Phú Yên hay Đắk Lắk thường thu hút du khách đam mê hình thức du lịch trekking (đi bộ đường dài khám phá). Các du khách thường kết hợp trekking chinh phục đỉnh Chư Mư (Đắk Lắk) và núi Bà (Phú Yên) để trải nghiệm cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, sau đó ngắm hòn vọng phu và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nhìn từ trên cao.

Hòn vọng phu ở Phú Yên.

Dù nằm phân bố khắp đất nước, hòn vọng phu các nơi đều mang một giá trị văn hóa sâu sắc đối với cộng đồng. Câu chuyện lưu truyền với nhiều dị bản tại từng địa phương, nhưng hình ảnh người phụ nữ ôm con nhìn về phương xa ngóng trông chồng đã trở thành biểu tượng về lòng thủy chung son sắt của người Việt. Không chỉ là những thắng cảnh đẹp, hòn vọng phu còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sự và văn hóa đặc sắc.

Tác giả: Nguyên An (Tổng hợp)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok