Trong cuộc sống hàng ngày, những vụ án kinh tế lớn, những vụ án thương tâm đau lòng thường nổi cộm, trở thành đề tài nóng hổi và là tâm điểm chú ý của dư luận. Tuy nhiên, những bất ổn xã hội kể trên dù có thu hút sự quan tâm của dư luận đến đâu thì dường như vẫn là câu chuyện “của người khác”. Mà trong cuộc sống mưu sinh thường ngày, những câu chuyện có vẻ nhỏ nhặt, vụn vặt nhưng lại là “chuyện của nhà mình” đã xảy ra, ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn mưu sinh của người dân rất xót xa và đáng lên án.
Vào ngày 10/1 công an huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) đang thụ lý điều tra vụ hàng loạt nông dân trồng khoai lang bị kẻ xấu phun thuốc phá hoại khiến 10 công ruộng trồng khoai của người dân chết sạch, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Cũng mới đây, hàng trăm gốc quất của hai hộ dân ở Triệu Sơn Thanh Hóa bỗng chốc sau một đêm héo úa, xác xơ. Những quả quất mơn mởn đang chạy nước rút chặng đường cuối để về đích mùa xuân đã bỏ cuộc, chết dần chết mòn trong sự nghẹn ngào, bất lực của biết bao người cả năm bỏ công sức, tiền của chăm bẵm.
Hàng trăm cây quất cảnh chờ Tết bỗng héo úa. Ảnh:giadinhvietnam.com |
Xa hơn, có thể kể đến câu chuyện của những trái thanh long, trái dứa… hứa hẹn một mùa thu hoạch phía trước cũng bị phá hoại không thương tiếc.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, không chỉ cây trồng mà vật nuôi, hay các sản phẩm nông sản, chăn nuôi khác cũng gặp phải những câu chuyện luôn nằm ngoài dự báo và sự mong muốn của người trong cuộc. Đó là nồi nước lèo bán bún bò, bún riêu của một người phụ nữ ở TP. Hồ Chí Minh từng bị bỏ thuốc diệt cỏ; là cảnh người phụ nữ ở Hải Phòng trong cảnh thịt lợn rẻ như bèo, lỗ đơn lỗ kép phải tự mình mang thịt đi bán để gỡ vốn bị hàng thịt bên cạnh hắt dầu luyn trộn chất thải; là đâu đó đôi khi chúng ta vẫn từng nghe ao cá của nhà này sau một đêm bỗng nhiên cá chết trắng mặt ao và nồng nặc mùi thuốc trừ sâu.
Những câu chuyện trên có thể thiệt hại chỉ vài trăm nghìn, vài triệu hay vài trăm triệu đi chăng nữa cũng chưa là gì so với những đại án thất thoát hàng tỉ, hàng trăm tỉ đồng, có thể không đồng loạt xuất hiện trên mặt báo, có thể không phải là chủ đề bàn tán xuyên suốt trong các quán trà đá vỉa hè, trong các khu chợ, khu dân cư… nhưng đó là nỗi cay đắng nhọc nhằn của từng cá nhân, từng gia đình. Bao nhiêu vốn liếng, công sức bất chấp một nắng hai sương những mong sự lao động chân chính của mình được đền đáp. Có người chỉ sau một đêm bị phá hoại dễ dàng trở nên trắng tay, bần hàn, bĩ cực.
Nguyên nhân của những hành vi phá hoại trên dù được tìm ra hay chưa tìm ra thì phần lớn xuất phát từ sự trả thù hèn mọn, lòng ganh ghét đố kị, thói ích kỷ, không muốn ai hơn mình, sợ người khác lấy mất miếng cơm…
Đã có những người sau khi gánh chịu hậu quả của hành vi phá hoại đã tự nhìn lại bản thân và cay đắng không hiểu sao mình không thù hận ai mà vẫn có người rắp tâm phá hoại. Trường hợp này chỉ có thể xuất phát từ những lý do còn lại đã kể ở trên. Ganh ghét đố kị, không muốn ai hơn mình là một tính xấu còn cố hữu trong con người mà người ngoài khó dự báo được để phòng ngừa.
Dư luận từng lên án gay gắt chuyện người bán thịt lợn bị hắt dầu luyn trộn chất thải. Ảnh: vtc.vn |
Trong một câu chuyện trong veo của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần kể về cô bé học sinh bỗng nhận được một thứ đồ của ca học trước trong ngăn bàn để lại. Ban đầu cô cứ nghĩ có thể người học ca trước để quên và định bụng sẽ mang trả lại. Nhưng chưa kịp trả, thì hôm sau, hôm sau nữa cô vẫn nhận được một thứ đồ nho nhỏ. Và cô hiểu không phải người học ca trước để quên mà có chủ ý tặng cô một món quà nhỏ. Cô bé đã mang câu chuyện này về kể cho cha nghe và mong nhận được lời khuyên từ cha, trong đó có cả việc tìm ra “người bạn tốt” tặng quà để cảm ơn. Và người cha đã khuyên cô bé, không nên tìm đích danh người đã tặng quà mình, bởi như thế cô sẽ “cảm thấy” có rất nhiều người tặng mình, chứ không chỉ một người cụ thể. Tình yêu và lòng biết ơn và của cô sẽ rộng hơn…
Kể câu chuyện trên để nghĩ xuôi với những trường hợp tương tự khi một ai đó làm việc tốt lặng lẽ “để gió cuốn đi”, và cả để nghĩ ngược lại. Nếu như một cá nhân có hành vi xấu cứ âm ỉ, âm thầm tồn tại trong cộng đồng thì rất có thể thói nghi ngờ cũng đủ khiến cuộc sống của con người thêm bất an.
Nếu chúng ta cứ bàng quan với những hành vi phá hoại cuộc sống mưu sinh của ai đó thì rất có thể sẽ tiếp tay cho loại tội phạm khá nguy hiểm này. Bởi hành vi phá hoại này không dự đoán được, khó chống đỡ và khó lường trước được hậu quả. Hậu quả chưa chắc chỉ dừng lại ở thiệt hại kinh tế mà có thể còn đi xa hơn.
Và nếu không lên án, phê phán những hành vi phá hoại này thì những người lao động chân chính sẽ mất niềm tin, khó yên ổn làm ăn. Bởi không phải cứ bỏ công sức tiền của sẽ được đền đáp xứng đáng. Luôn canh cánh nỗi sợ một ngày nào đó sự phá hoại sẽ đổi hướng địa chỉ rơi vào bản thân. Người lao động chân chính cũng chồng chất thêm khó khăn, họ không chỉ đối diện với thiên tai, địch họa mà còn cả “nhân tai”.
Nếu sự tử tế luôn là quan tòa phán xét trong mỗi chúng ta thì những “trận bão nhân tai” sẽ bị đẩy lùi.
Để môi trường sống bình yên, người dân bớt đi những lo toan, thiết nghĩ không chỉ có sự nghiêm minh của pháp luật mà còn có cả sự chung tay của cộng cồng, của “tình làng nghĩa xóm” cùng vun đắp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tác giả: Nhị Xuân
Nguồn tin: Báo Tổ quốc