Nhân ái

Mong manh sự sống của bé gái 10 tuổi bị suy thận

Lên 4 tuổi, qua 1 lần thăm khám, bác sĩ chẩn đoán Trân bị nhiễm khuẩn nước tiểu. Từ đó, tuổi thơ của em luôn gắn với bệnh viện và những lần phẫu thuật đau đớn.

Đến nay, dù đã nhiều lần chữa trị nhưng bệnh tình của em Nguyễn Thị Ngọc Trân (SN 2005), trú tại xóm 1, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vẫn không mấy khả quan. Mỗi lần nhìn con chống chọi với bệnh tật, người làm mẹ như chị Phạm Thị Loan lại đau đơn như đứt từng khúc ruột. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dẫu văng vẳng bên tai lời bác sĩ nói: Nếu không được thay thận hay niệu đạo, Trân khó lòng qua khỏi khi đến tuổi trưởng thành, nhưng chị Loan đành bất lực.

Chúng tôi tìm về nhà chị Loan tại xóm 1 vào một chiều mưa đầu tháng 8. Men theo con đường đất dốc và nhỏ, chúng tôi mới tới được ngôi nhà cũ của chị. Nói là nhà chị nhưng đây là căn nhà mà hai mẹ con chị mượn ở nhờ của người em đi làm xa.

Mong manh sự sống của bé gái 10 tuổi bị suy thận - Ảnh 1

Căn nhà nhỏ, nơi hai mẹ con chị Loan ở nhờ của người em trai đi làm xa

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước vào là căn nhà nhỏ, mái đã có nhiều chỗ hư hỏng, nếu có mưa sẽ bị dột ướt, bên trong không có đồ vật gì có giá trị. Như hiểu được ánh mắt tò mò của chúng tôi, chị Loan vội nói: “Mùa mưa bão cũng sắp tới, nhưng vì không có tiền, bao nhiêu vốn liếng để giành dùng hết vào chữa bệnh cho con nên tôi không thể sửa lại được”.

Trong câu chuyện về đứa con gái tội nghiệp, chị Loan nghẹn ngào kể: Năm lên 4 tuổi, Trân bắt đầu có biểu hiện đau ở hai bên hông, sốt cao, không đi tiểu được. Quá lo lắng, gia đình đưa Trân đi bệnh viện khám thì được bác sĩ chẩn đoán, Trân bị teo thận phải, suy thận trái, giãn đài, ứ nước độ 3 và giãn niệu quản 2 bên. Ngay sau đó, Trân được nhập viện để điều trị.

Sau một thời gian điều trị, gia đình đã quyết định mổ để tạo niệu quản 2 bên cho Trân. Tuy nhiên, sau khi ra viện được ít ngày, Trân lại có dấu hiệu sốt cao. Lo lắng bệnh tình của con, chị Loan lại hốt hoảng đưa con vào bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ cho biết, thận phải của Trân đã mất chức năng nên phải chuyển ra Hà Nội để điều trị. Ngày nhận tin, chị như chết lặng, vừa thương cho hoàn cảnh gia đình, vừa thương đứa con gái bé bỏng mang bạo bệnh. Ngay sau đó, gia đình đã vay mượn khắp nơi để đưa Trân ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Trân được các bác sĩ phẫu thuật lại, tuy nhiên, sau khi về nhà được một tháng em lại có biểu hiện sốt cao. Tiền hết, tài sản quý giá cũng không có để cầm cố nên một lần nữa chị Loan lại chạy ngược chạy xuôi vay mượn để đưa con đi điều trị với mong muốn con khỏi bệnh. Lần thứ 2 ra Hà Nội, bác sĩ kết luận Trân bị nhiễm khuẩn nước tiểu và được nhập viện để theo dõi sức khỏe.

Những ngày con gái nằm viện, số tiền vay mượn ít ỏi cũng đã hết. Để có tiền thuốc thang, ăn uống và chăm con trong những ngày nằm viện dài ngày,chị Loan đã xin làm thêm công việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện. Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của Trân không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Cứ ra viện được dăm bữa nửa tháng thì lại phải nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn, do vậy nợ nần của gia đình cứ chồng chất thêm.

Đến nay, dù đã lên 10 tuổi nhưng Trân chỉ nặng vẻn vẹn 16kg. Sau khi trải qua 5 cuộc phẫu thuật, sức khỏe của em yếu hẳn và chưa có sự chuyển biến tích cực.

Kinh tế gia đình vốn khó khăn nay lại thêm cực khổ. Ngoài hai mẹ con, gia đình còn có thêm bà ngoại nhưng cuộc sống chỉ dựa vào 2 sào ruộng nên thiếu thốn vô cùng. Để kiếm thêm thu nhập, những ngày nông nhàn, chị Loan phải tìm thêm công việc để làm. Ai thuê gì chị làm nấy, nhưng cũng không dám đi xa vì sợ con trở bệnh, mẹ già khó bề xoay trở kịp. Thương cho hoàn cảnh của 2 mẹ con, bà con xóm làng lâu lâu cũng quan tâm, giúp đỡ nhưng do cũng là những người làm nông nên sự giúp đỡ cũng không được nhiều.

Mong manh sự sống của bé gái 10 tuổi bị suy thận - Ảnh 2

Dù đã lên 10 tuổi nhưng Trân chỉ nặng vẻn vẹn 16kg

Được biết, một quả thận của Trân đã bị mất chức năng, quả còn lại thì bị teo và em đang phải điều trị tại nhà. Theo lời dặn của bác sĩ, mỗi ngày Trân phải thông tiểu 5 lần, mỗi lần 1 ống. Nhưng vì nghèo không có tiền mua nhiều ống thông tiểu nên mỗi lần dùng xong, chị Loan lại phải lấy nước sôi luộc ống để tái sử dụng trong cả tuần.

Biết như thế là nguy hiểm cho con, nhưng chị Loan đành bất lực. Mỗi lần nhìn con sốt do nhiễm khuẩn, lòng chị đau như cắt. Để chữa trị và hồi phục, cách duy nhất bây giờ là thay niệu đạo hoặc thận, nhưng chị Loan biết lấy đâu ra số tiền hàng trăm triệu đồng. “Có nai lưng đi làm cả đời, chắc tôi cũng không kiếm nổi số tiền ấy”, chị Loan nói trong nước mắt.

Việc đi viện thường xuyên đã khiến Trân bị gián đoạn việc học, thậm chí năm nay, em còn không được lên lớp vì nghỉ học quá nhiều.

Tin nhanh qua cuộc trao đổi về hoàn cảnh khó khăn của mẹ con chị Loan, ông Trương Văn Duẩn, xóm trưởng xóm 4, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc cho biết: "Gia đình chị Loan là hộ nghèo trong xóm. Chồng chị Loan vì ham mê rượu chè nên đã bỏ đi, hai mẹ con phải dắt díu tới ở nhờ nhà em trai, nhà chỉ có ba người đàn bà sống dựa vào nhau. Từ ngày con gái bị bệnh, cuộc sống gia đình thêm khổ cực hơn. Bà con hàng xóm có giúp đỡ nhưng cũng chỉ được phần nào vì người dân ở đây chủ yếu là nông dân nghèo cả. Chúng tôi chỉ mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để cháu được chữa bệnh, khỏe mạnh để tiếp tục đến trường”.

Chia tay chị Loan khi trời nhá nhem tối, nhìn người phụ nữ thất thần đến bất lực, lòng chúng tôi thêm suy nghĩ. Mong rằng, mẹ con chị Loan sẽ vững vàng trên con đường giành giật sự sống cho đứa con gái bé nhỏ. Mong cho khát khao và hi vọng của chị sẽ được thực hiện để Trân tiếp tục được tới lớp như bao bạn bè cùng trang lứa.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về: Chị Phạm Thị Loan - Xóm 1, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0977787691

Tác giả bài viết: Cẩm Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok