Mắc mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng của cây hồng bì núi. Mắc mật thuộc loại cây gỗ nhỏ, thích hợp nơi có điều kiện khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm 20-23 độ C. Mắc mật ra hoa tháng 4-5, quả chín vào tháng 7-8, khi chín có màu trắng nhờ đến trắng trong và chứa 1-2 hạt.
Tại Việt Nam, cây mắc mật được trồng nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Quả mắc mật vị hơi chua ngọt, giàu hàm lượng vitamin C, có thể ăn tươi hoặc dùng để nấu, kho trong một số món ăn. Lá mắc mật có hàm lượng protein, sắt, mangan, can xi rất cao, có tinh dầu thơm nên được dùng trong các món vịt quay, lợn quay, kho cá. Hạt mắc mật phơi khô xay thành bột, dùng để làm gia vị.
Quả mắc mật có vị ngọt ngọt, chua chua, he he đặc trưng. Ảnh: nonnuoccaobang. |
Đối với sức khỏe lá mắc mật có tác dụng lợi mật, kích thích tiêu hóa, bảo vệ gan, có thể sản xuất thành thực phẩm chức năng. Tinh dầu quả mác mật có tác dụng bảo vệ gan, giảm đau, là nguyên liệu để làm thuốc. Lá và rễ cây mắc mật được dùng làm nguyên liệu trong Đông y.
Rất nhiều món ăn của người Lạng Sơn sử dụng các thành phần của cây mắc mật và trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng mà khắp nơi đều biết như vịt quay lá mắc mật, bồ câu nướng lá mắc mật, cá kho mắc mật, chân giò hầm mắc mật, thịt heo nướng lá mắc mật...
Thịt heo nướng lá mắc mật
Thịt heo rửa sạch, để ráo nước, ướp với lá mắc mật giã nhỏ, nước mắm, muối, húng lìu. Để khoảng 1 giờ cho thấm gia vị, rồi nướng trên than hồng.
Bao tử nhồi mắc mật
Bao tử lợn làm sạch. Lá mắc mật ướp gia vị gồm muối, bột ngọt, nước mắm. Nhồi lá mắc mật vào bao tử heo rồi khâu lại. Hấp bao tử khoảng 20 phút cho chín, sau đó chiên vàng trên chảo dầu. Khi ăn cắt ra, chấm nước mắm gừng và lá mắc mật non.
Vịt quay lá mắc mật
Đây là đặc sản mà bạn không thể bỏ qua khi đến Lạng Sơn. Lá mắc mật nhồi vào bụng vịt, đem nướng chín vàng thơm nức.
Cá chép nướng lá mắc mật
Cá chép moi nội tạng, lóc bỏ xương giữa. Ướp với ngò gai, rau thơm, tỏi, bột ớt, bột ngọt, muối. Lá mắc mật rửa sạch, nhồi vào trong mình cá, dùng vỉ kẹp chặt giữ cho lá mắc mật không bị rơi ra ngoài. Nướng cá trên than hồng. Ăn nóng với muối tiêu chanh.
Măng xào lá mắc mật
Măng non tước hay thái tùy thích. Lá mắc mật thái nhỏ. Xào măng gần chín thì cho lá mắc mật vào, đảo đều.
Thịt bò kho lá mắc mật
Thịt bò cắt miếng vừa ăn. Xếp thịt bò vào nồi, một lớp thịt bò rồi tới một lớp lá mắc mật, nêm gia vị gừng, hành, nước mắm, muối, nấu lửa liu riu cho đến khi thịt mềm.
Vịt xào măng và lá mắc mật
Thịt vịt làm sạch, chặt miếng vừa ăn, đêm xào chín với gia vị rồi cho măng củ thái nhỏ vào xào cùng, thêm ớt tươi, lá mắc mật rồi tắt bếp.
Bồ câu nướng lá mắc mật
Bồ câu làm sạch. Lá mắc mật ướp gia vị gồm muối, bột ngọt, nước mắm. Nhồi lá mắc mật vào trong bụng bồ câu. Nướng bồ câu trên than hồng.
Ong xào lá mắc mật
Ong xào lá mắc mật chỉ có ở một số nhà hàng của Lạng Sơn và khá đắt, thực khách phải dũng cảm mới nên thử món này. Nhộng ong để nguyên đảo cùng dầu ăn, gia vị rồi cho lá mắc mật vào, món ăn có mùi thơm và vị ngậy.
Tác giả bài viết: Hạt Tiêu