Giáo dục

“Mớm bài” cho trò và những bài giảng mang danh hão!

Cứ dạy thật, báo cáo thật thì đâu có cảnh sau 5 năm thực hiện, với biết bao sự ca ngợi, biểu dương VNEN lại hứng nhiều “gạch đá” bởi chất lượng bị thổi phồng l

LTS: Đã từ lâu câu khẩu hiệu “chống bệnh thành tích” trong giáo dục cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng cái chuyện như “cơm bữa” giáo viên mớm bài cho trò thì vẫn phổ biến trong hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy giáo viên.

Cô giáo Đỗ Quyên đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.


Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Chuyện dạy thử, dạy trước để mớm bài cho học sinh đối với mỗi giáo viên như chuyện “cơm bữa” ở huyện.

Đã là người trong nghề thì ai cũng biết, cũng hiểu nhưng rồi ai cũng làm lơ xem như “chuyện phải thế” để rồi tự lừa dối nhau cho mọi người cùng vui, cùng hưởng lợi.

Thường thì giáo viên có nhiều tiết dạy như dạy thao giảng tổ hàng tuần, dạy dự giờ cho Ban giám hiệu đánh giá, dạy thao giảng trường để cả trường cùng dự, dạy thao giảng cụm cho nhiều trường tới dự, dạy thử nghiệm, dạy kết thúc một chuyên đề, thử nghiệm một hình thức tổ chức dạy học mới...

cc
Một lớp học đang áp dụng mô hình trường học mới VNEN (Ảnh nguồn: plo.vn).

Ngoài ra còn dạy thi tay nghề, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thị… của từng giáo viên.

Nội dung kiến thức, mục tiêu cần đạt trong một tiết học thì nhiều nhưng thời lượng một tiết dạy có hạn.

Bên cạnh đó, nhiều em học sinh kiến thức hổng nhiều nên nếu để các em tự học, tự tìm kiến thức để trả lời theo đúng yêu cầu thì chắc chắn một tiết học không thể kết thúc đúng thời gian quy định là 35 phút (với khối Tiểu học) và 45 phút (với cấp 2, 3).

Bất kể tiết học đó, học sinh học tốt cỡ nào, giáo viên dạy đạt ra sao nhưng chỉ cần phạm thời gian quá 6 phút thì coi như tiết dạy không đạt, vì điều này nên chuyện mớm bài xảy ra thường xuyên đến mức trở thành như “cơm bữa”.

Còn Ban giám hiệu họ được lợi gì khi làm lơ cho giáo viên mớm bài dạy trước?

Thường khi triển khai một phương pháp dạy học mới, Ban giám hiệu nhà trường sẽ là người chịu trách nhiệm để triển khai trong toàn trường và phải báo cáo kết quả đạt được bằng văn bản, bằng tiết dạy minh họa.

Để có những báo cáo đẹp hay những tiết dạy minh họa vừa lòng cấp trên buộc nhà trường phải cùng giáo viên dạy chuẩn bị cho học sinh từ “chân tới răng”.

Có những tiết dạy chỉ “diễn” vì giáo viên đã dạy đi dạy lại biết bao lần, học sinh còn thuộc lòng từng câu hỏi, từng câu trả lời.

Chẳng hạn khi triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột”, nếu để tiết dạy diễn ra tự nhiên thì chắc chắn một tiết học phải kéo dài hơn tiếng đồng hồ cũng chưa chắc kết thúc được.

Bởi phần lớn phương pháp dạy học này không phù hợp với mọi đối tượng học sinh ở các vùng miền trừ trường chuyên lớp chọn nhưng khi dạy, trường nào cũng phải dạy trước và mớm bài để tiết học diễn ra đúng yêu cầu.

Ban giám hiệu có được những báo cáo hay, báo cáo đẹp gửi lên cấp trên. Các chuyên viên có được thành công khi đưa ra những phương pháp mới những mô hình dạy mới hiệu quả…

Tôi còn nhớ mãi một đồng nghiệp bày tỏ:

“Sau tiết dạy theo mô hình VNEN, một chuyên viên Giáo dục lại bắt tay cô giáo nói: “Dạy và học như thế thì cần nhân rộng mô hình VNEN ra cả nước”. Đồng nghiệp của tôi cười (méo mặt) bởi họ đâu có biết để chuẩn bị cho một tiết học này, cô, trò và cả nhà trường đã phải chuẩn bị hàng tháng trời”.

Có thể nói việc dạy trước, dạy thử, mớm bài cho học sinh để tiết dạy đi đúng theo yêu cầu đã trở thành mầm họa cho nền giáo dục. Vì sự gian dối này mà nhiều phương pháp dạy học mới được triển khai thay vì không phù hợp, không thành công như thực chất thì lại hóa cái mác hoàn mĩ, không còn sai sót.

Hậu quả chỉ học sinh là phải gánh chịu!

Điển hình nhất là mô hình trường học mới VNEN.

Nếu ngay từ đầu, các thầy cô giáo, Ban giám hiệu các trường cứ dạy thật, báo cáo thật thì đâu có cảnh sau 5 năm thực hiện, với biết bao sự ca ngợi, biểu dương lại chịu sự phản ứng gay gắt từ nhiều phụ huynh bởi chất lượng thật sự không phải thế.

Tác giả bài viết: Đỗ Quyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok