Kinh tế

Mỗi ngày có hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu vào Việt Nam

Trong số hơn 16,6 triệu tấn sắt thép các loại được nhập về trong 9 tháng, số sắt thép phế liệu là 2,7 triệu tấn (chiếm hơn 16% về lượng) và gần 10% về giá trị kim ngạch. Đáng chú ý, sắt thép phế liệu của Nhật Bản cung ứng nhiều nhất cho Việt Nam với 1,6 triệu tấn (chiếm gần 60% về lượng).

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa công bố báo cáo tình hình nhập khẩu một số mặt hàng trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm. Đáng chú ý, trong số này, sắt thép là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng khá nhanh, đạt gần 25%, tổng lượng sắt thép các loại ước đạt hơn 16,6 triệu tấn, tăng hơn 3,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu gia tăng mạnh, trong 9 tháng năm 2015 mặt hàng này nhập về Việt Nam chưa đầy 2 triệu tấn, nhưng 9 tháng cùng kỳ năm 2016 đã đạt hơn 2,7 triệu tấn. Ước tính bình quân, mỗi tháng nhập hơn 300.000 tấn sắt thép phế liệu, đạt hơn 67 triệu USD (1.474 tỷ đồng).


Sắt thép phế liệu nhập khẩu ngày một tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường ngày càng lớn do các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.

Trong 9 tháng, Việt Nam nhập hơn 3,7 triệu tấn sắt thép các loại từ Nhật. Đây là thị trường đứng thứ hai về cung cấp thép nhập cho Việt Nam sau Trung Quốc (8,2 triệu tấn). Tuy nhiên, về sắt thép phế liệu, Nhật Bản cung cấp nhiều nhất với 1,6 triệu tấn (chiếm hơn 60%), đạt kim ngạch hơn 339 triệu USD, trung bình, mỗi tháng Việt Nam nhập gần 180.000 tấn với gần 38 triệu USD (830.000 tỷ đồng).

Hiện, nhập khẩu sắt thép phế liệu vẫn chiếm khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy thép trong nước bởi chi phí rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép. Vì lý do môi trường, mặt hàng này thuộc diện kiểm soát ngặt nghèo với nhiều quy định về bảo vệ môi trường và thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.

Về quản lý hoạt động nhập khẩu theo Thông tư 41 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, có áp dụng cho mặt hằng sắt thép phế liệu có hiệu lực từ tháng 10/2015, các DN phải ký quỹ với số tiền tương đối lớn để đảm bảo mặt hàng nhập khẩu nếu xảy ra tác động đến môi trường sẽ lấy kinh phí xử lý và ứng phó.

Trường hợp DN nhập 5.000 tấn thép phế liệu/năm trở nên phải được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường và nộp đủ tiền ký quỹ như trên.

Về mức thuế nhập khẩu, thép phế liệu có hai chủng loại được bỏ thuế nhập khẩu, áp thuế bằng 0% là phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim bằng thép không gỉ; phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim bằng thép loại khác (trừ thép không gỉ). Còn các mặt hàng phế liệu và mảnh vụn trừ của gang, thép hợp kim, thép tráng thiếc... sẽ có thuế suất thấp với mức thuế thấp khác nhau.

Trong tháng 7/2016, vụ việc liên quan đến nhập khẩu thép phế liệu nổi cộm là hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu các loại của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chưa khai đủ các hồ sơ môi trường và các giấy tờ liên quan nên không được thông quan tại cảng Hải Phòng.

Sau sự cố này, TISCO đã có văn bản cầu cứu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Môi trường và Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu thép phế liệu. Công ty này cho biết, do chưa được cấp đầy đủ giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu do đó việc lưu tàu và hàng tại cảng Hải Phòng sẽ thiệt hại mỗi ngày của DN hơn 4.500 - 5.000 USD.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok