Thế giới

Mỏ vàng cao nhất thế giới

Mỏ vàng La Rinconada nằm trên dãy núi tuyết khổng lồ Andes cao hơn 5.000 mét ở Peru là nguồn sống của những con người nghèo khổ nhất.

La Rinconada là nơi có con người sinh sống cao nhất thế giới với điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt. Dân cư nơi đây chỉ khoảng 50.000 người, sống trong thời tiết thường xuyên ở mức âm độ.
Thị trấn La Rinconada nằm biệt lập ở độ cao 5.000 mét so với mực nước biển. Đường lên thị trấn là một con đường núi đầy cỏ, đá, bụi bẩn và băng tuyết nguy hiểm. Hành trình từ chân núi lên thị trấn phải mất vài ngày.
Khoảng 68% dân cư ở đây sống dưới mức nghèo khổ, theo News. Họ sống dựa nghề khai thác vàng. Trên núi là các mỏ vàng nhỏ nằm rải rác quanh sườn núi, không được chính quyền quản lý và không an toàn.
Dân số trong thị trấn biến động theo giá vàng. Trong thời gian 2001- 2012, khi giá vàng tăng hơn 200%, dân số thị trấn cũng tăng vọt và giảm xuống trong những năm gần đây.
Lối vào một mỏ vàng khoét sâu vào sườn núi.
Vàng đã được khai thác ở dãy Andes trong nhiều thế kỷ. Thợ khai thác ở đây chủ yếu là người Peru. Họ không có thu nhập ổn định, luôn mơ ước mình sẽ phát tài nhờ đào trúng vài tảng đá toàn vàng. Thợ ở đây không được trả lương, thay vào đó họ được sở hữu số vàng khai thác được.
Phu vàng ở La Rinconada leo núi 30 phút mỗi ngày để tới các mỏ vàng chứa đầy khí độc hại, thủy ngân, xyanua và thiếu oxy.
Phụ nữ không được phép bước vào mỏ vàng, vì thế họ chỉ làm việc ngoài trời. Người phụ nữ này đang rèn thanh kim loại làm cột đỡ hầm khai thác.
Nhà cửa ở đây rất sơ sài, đa số đều lợp tôn tạm bợ, thiếu điện thiếu nước. Cơ sở hạ tầng hầu như không có. Đường phố dễ bị ngập lụt khi tuyết tan, người dân chủ yếu dùng nhà vệ sinh công cộng. Nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu chảy cấp tính là hai bệnh phổ biến vì sử dụng nguồn nước nhiễm thủy ngân trong quá trình đãi vàng.
Theo New Yorker, có khoảng 30 người chết mỗi năm do tai nạn ở đây như sập hầm, nổ hầm, ngạt khí và có hơn 70 người tử vong do đấu súng hoặc chém giết tranh giành vàng.
Phu vàng xuống thị trấn sau một ngày lao động.
Thị trấn không có nước sinh hoạt và không xây được hệ thống xử lý nước thải. Rác sinh hoạt được người dân xử lý bằng cách đốt hoặc đơn giản là vứt ra chỗ xa nhà.
Thiếu vệ sinh, khai thác thiếu kiểm soát, khiến đất đai ở La Rinconada bị ô nhiễm thủy ngân nặng. Nhiều người đã ngộ độc thủy ngân, căn bệnh ảnh hưởng hệ thống thần kinh, gây ngứa, rát và đổi màu da.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh 

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok