Giáo dục

Mô hình đào tạo VNEN - bỏ hay không?

Việc 3 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Hà Giang dừng mô hình đào tạo Trường học mới (VNEN) đã gây ra một cuộc tranh luận quyết liệt. Hiện có 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh, thành phố đang áp dụng VNEN. Vậy VNEN là gì? Ưu việt ra sao để triển khai, và nhược điểm thế nào để gây ra “phản ứng”? Câu chuyện VNEN sẽ đi đến đâu nếu vẫn tiếp tục áp dụng theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ” như hiện nay? Không chừng đang khiến những ưu việt trở thành biến tướng.


trang1 184 YREG
Lớp học theo mô hình VNEN tại một trường tiểu học ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: D.H

Vì sao các tỉnh “sợ” VNEN?

Trường học mới (gọi tắt VNEN) là mô hình nhà trường hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, HS được học theo tốc độ phù hợp với trình độ nhận thức của cá nhân, phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tập thể, học tập theo nhóm (thông qua hội đồng tự quản). Điểm ưu việt của VNEN là HS chủ yếu tự học dựa trên bộ tài liệu, SGK riêng trong đó hướng dẫn cách tự học. Như vậy, khác hoàn toàn với cách học truyền thống GV giảng giải kiến thức có sẵn, nêu câu hỏi vấn đáp cho các em trả lời từ đó rút ra bài học cần thiết, cách học theo VNEN là HS tự học, tự thảo luận nhóm rồi cùng trao đổi. Quá trình này, nếu gặp khó khăn, học sinh liên lạc với giáo viên và sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Sự khác biệt ở đây là thông qua dự hướng dẫn của GV, HS có thể tự phát hiện, tự tìm ra kiến thức và tự hình thành kỹ năng, thái độ thích hợp. Vai trò chủ thể tích cực của học sinh được phát huy cao độ, các em không còn thụ động nghe GV giảng bài.

Tại Việt Nam, dự án bắt đầu thực hiện chính thức năm học 2012 - 2013, đối tượng hưởng thụ gồm 1.447 trường tiểu học khắp 63 tỉnh, thành. Đến năm học 2015 - 2016, có thêm 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh tự nguyện tham gia áp dụng. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc dự án, nhiều tỉnh đã lập tức “phản ứng” bằng việc không nhân rộng mô hình này (như ở Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Hà Giang). Một số địa phương khác chọn phương án “án binh” để tiếp tục tổng kết, đánh giá những mặt ưu và nhược của mô hình. Lý do chính được đưa ra là thay vì phát huy khả năng tự học của HS thì nhiều nơi diễn ra tình trạng HS chỉ ngồi nói chuyện, không học nên không nắm được bài. Chương trình học, theo nhiều GV phản ánh là cắt xén, chắp vá dựa trên SGK hiện hành, không đảm bảo chất lượng. Nhiều trường có số HS quá tải nên không đảm bảo điều kiện tối thiểu của mô hình là mỗi lớp không quá 30 HS.

Nhiều ý kiến trái chiều

Sau 5 năm triển khai, rõ ràng VNEN đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nhiều địa phương sau khi tuyên bố dừng triển khai đại trà, không ít GV đã “thở phào” nhẹ nhõm. Trên nhiều diễn đàn GV tiểu học, nhiều ý kiến cho rằng những ưu việt của mô hình này đang bị biến tướng bởi thực hiện theo kiểu “nửa nạc nửa mở”. Một GV tại diễn đàn của GV tiểu học với 65.000 thành viên thẳng thắn chỉ ra một số thực trạng: SGK không khoa học, bất cập về chỗ ngồi và sĩ số, hội đồng tự quản thì như… vẹt còn GV thì “chết ngộp” với việc trang trí lớp học. “HS giỏi thì rất tự giác, tích cực, còn HS kém thì ngược lại. HS chúng tôi đa số là dân tộc miền núi, các em nhút nhát, vốn tiếng Việt còn hạn chế. Các em còn tự ti, ngại trao đổi nhóm. Bởi vậy nếu cứ để mô hình này thì học sinh sẽ hạn chế hơn chương trình hiện hành” - GV này nói. Thậm chí, vì là mô hình của dự án nên tại trường học mà GV này đang dạy, có thực tế là GV… diễn nhiều hơn dạy. Khi được cấp trên giao một tiết chuyên đề dạy theo mô hình VNEN, thường một lớp 44 em, sẽ được chọn ra 24 em, chia thành bốn nhóm. Suốt hai tuần, các em sẽ được tập diễn, nào là giới thiệu tên, tập các trò chơi, tự học nhóm. Cả thầy và trò đều rất căng thẳng.

trang 3 184 cbbe
Lớp học theo mô hình trường học mới VNEN tại Trường tiểu học số 2 Noóng Luống (tỉnh Điện Biên). Ảnh: T.L

Những hạn chế trong triển khai mô hình, được chính Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận là nhiều nơi thực hiện hình thức, lấy thành tích mà theo ông là “do nhận thức của cán bộ GV chưa thay đổi, áp lực từ xã hội, từ phụ huynh, khiến nhiều nhà trường phải tìm cách dung hòa giữa mô hình trường học mới và truyền thống”. Tuy nhiên, nếu nói rằng bỏ mô hình này đi thì sẽ là cực đoan bởi nhiều địa phương vẫn thực hiện tốt mô hình này. Với những nơi có trình độ HS đồng đều, số lượng không quá đông thì những ưu việt của mô hình này vẫn được thể hiện. Về điều này, tân Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã đổi mới thì chấp nhận có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. “Bộ GDĐT sẽ điều chỉnh để các địa phương khai thác tối đa mặt tốt, phù hợp với điều kiện của mình. Nói dừng lại thì không phải vì sẽ ngược lại với chủ trương đổi mới” - ông nói.
Hà Tĩnh dừng VNEN vì nhiều bất cập

Dự án VNEN được triển khai thí điểm tại Hà Tĩnh vào năm học 2012 - 2013 tại Trường Tiểu học (TH) Cẩm Quang (Cẩm Xuyên). Năm học 2013 - 2014, Hà Tĩnh đã nhân rộng 11 trường TH của 11 huyện thị. Năm học 2014 - 2015, nhân rộng thêm 36 trường, đến năm 2015 - 2016 có 129/267 trường TH (chiếm 48,3%) và 32 trường THCS thực hiện. Đầu năm học 2016 - 2017, Sở GDĐT Hà Tĩnh ban hành hai công văn số 427/SGĐT-GDTrH ngày 9.4.2016 và số 636/ SGĐT-GDTrH ngày 10.5.2016 chỉ đạo triển khai đại trà 100% mô hình trường học mới VNEN ở TH và THCS. Động thái nói trên của Sở GDĐT Hà Tĩnh được xem là quá vội vã, khi chưa có sự đánh giá, tổng kết về mô hình thí điểm, cũng như chưa báo cáo UBND tỉnh, trong khi thực tế có quá nhiều bất cập. Và chỉ đến khi dư luận quá bức xúc, Chủ tịch UBND tỉnh vào cuộc, triệu tập họp về VNEN, thì mọi việc mới vỡ ra. Điều này cho thấy công tác quản lý giáo dục ở Hà Tĩnh chưa thực sự dân chủ, khoa học. Nghệ An là địa phương có số lượng HS lớn gấp nhiều lần Hà Tĩnh, nhưng tỉnh này sau 3 năm chỉ triển khai ở 73 trường TH, và chưa có quyết định triển khai đại trà.

QUANG ĐẠI

Tác giả bài viết: DƯƠNG HÀ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok