Minds được doanh nhân Bill Ottman (sinh năm 1985) thành lập từ tháng 2.2011 tại Mỹ. Cùng với anh là các cộng sự John Ottman, Jack Ottman, Mark Harding, Ian Crossland, những người có chung tư tưởng về một giải pháp thay thế cho các mạng xã hội lớn đang đụng chạm đến quyền sử dụng kỹ thuật số thời điểm đó.
Sự tồn tại của Minds bắt đầu được biết đến nhiều hơn từ năm 2015, khi hàng loạt phương tiện truyền thông trên thế giới đưa tin về sự kiện ra mắt của mạng xã hội này. Ba năm sau, Minds lại được nhắc đến sau khi Facebook vướng hàng loạt bê bối liên quan đến thông tin người dùng. Không ít chủ tài khoản của mạng xã hội lớn nhất thế giới xem Minds là một lựa chọn để rời bỏ Facebook.
Minds được biết đến là mạng xã hội blockchain với khả năng bảo vệ sự riêng tư của người dùng. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH |
Cũng trên Facebook, nhiều người cho biết Minds là sản phẩm có sự hậu thuẫn từ nhóm hacker ẩn danh nổi tiếng Anonymous, tuy nhiên thông tin này chưa có xác nhận từ nhóm. Điểm khiến mọi người chú ý tới Minds là lời khẳng định đặt bảo mật của người dùng lên hàng đầu của nhóm phát triển.
Theo thông tin từ nhà sáng lập, Minds được lập trình bằng mã nguồn mở và có cơ chế mã hóa toàn bộ tin nhắn riêng tư giữa người dùng. “Người dùng xứng đáng được toàn quyền kiểm soát mạng xã hội theo bất kỳ góc độ nào”, sáng lập viên Bill Ottman chia sẻ trên Business Insider khi ra mắt mạng xã hội của mình. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Minds và Facebook.
Nhưng để nổi bật hơn, Minds còn khác biệt với tất cả mạng xã hội hiện nay khi là nền tảng phát triển đồng tiền ảo riêng, có tên Minds Token, xây dựng bằng giao thức ERC20. Người dùng sẽ được trả token qua giá trị của các nội dung họ đăng tải và khi có số lượng đủ sẽ quy đổi ra Bitcoin hoặc Ethereums và chuyển qua tiền mặt. Hiện các Minds Token chưa có giá trị.
Bên cạnh đó, đây còn được xem là mạng xã hội blockchain của tương lai với tính năng phi tập trung (decentralize).
Cũng như mọi mạng xã hội hiện hành, người dùng có thể chia sẻ nội dung, thông tin… cũng như chạy quảng cáo trên nền tảng của Minds. Cách hiển thị và sắp xếp thông tin cũng có nét tương đồng với Facebook.
Các thống kê không chính thức cho hay hiện mạng xã hội mới này có khoảng 2 triệu người dùng trên thế giới.
Minds được nhiều người kỳ vọng là đối thủ của Facebook. ẢNH: REUTERS |
Tuy được chào mời với đầy tính năng ưu việt, nhiều người trong giới công nghệ vẫn đặt nghi ngờ với Minds. Theo một chuyên gia về công nghệ, tính an toàn và pháp lý của mạng xã hội này vẫn chưa rõ ràng.
Cụ thể, nếu có vấn đề trên Facebook, người dùng vẫn có thể khiếu nại và yêu cầu đội ngũ quản lý giải quyết. Nhưng với Minds, ai là người đứng ra tiếp nhận và xử lý vẫn chưa rõ ràng. Thực tế, Minds vẫn chưa có các khái niệm về nghĩa vụ pháp lý như Facebook.
Chuyên gia bảo mật độc lập Nguyễn Hồng Phúc cũng chia sẻ những nghi ngại của mình, trong đó anh phát hiện ra blockchain chỉ được dùng cho các giao dịch token, không dùng cho tính năng mạng xã hội. Từ đó có thể tin rằng tính phi tập trung chỉ có trong giao dịch token, phần mạng xã hội không hề có.
“Minds không hề ẩn danh mà là một công ty tại Mỹ và không có phi tập trung ở mạng xã hội”, chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc nhận định.
Ngày càng nhiều người chia sẻ về mạng xã hội mới này, mời gọi và hướng dẫn “chuyển nhà” từ Facebook sang Minds. Nhưng với một nền tảng còn chưa rõ ràng về pháp lý, chức năng hay các định nghĩa về an toàn thông tin cho người dùng, chủ các tài khoản nên cân nhắc khi lựa chọn bởi ngoài Minds vẫn còn những mạng xã hội khác phổ biến và an toàn hơn để tham gia.
Tác giả: Anh Quân
Nguồn tin: Báo Thanh Niên