Lực lượng chức năng sơ tán người dân đến khu vực an toàn để tránh bão. Ảnh: Thanh niên |
Ngày 14/11, trước diễn biến phức của cơn bão số 13 (bão Vamco), UBND TP Đà Nẵng đã triển khai các phương án di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, tính đến trưa cùng ngày, các quận, huyện trên địa bàn đã sơ tán gần 92.631 người dân để tránh bão số 13.
Trong đó, quận Liên Chiểu sơ tán 59.192 người; huyện Hòa Vang sơ tán 13.859 người, trong đó có 1.208 người dân ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét (tại các xã Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc); quận Sơn Trà sơ tán 6.870 người, quận Thanh Khê là 3.208 người, quận Ngũ Hành Sơn với 2.478 người…
Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 24 công trình với 41 cẩu tháp đã bảo đảm an toàn, 140 trạm BTS đã được hạ tải; 957 trạm BTS đã được gia cố. Đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di dộng trên địa bàn thành phố hỗ trợ công tác thông tin đến nhân dân. Trong sáng 14/11, nhiều người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đang khẩn trương chằng chống nhà cửa trước khi cơn bão số 13 đổ bộ vào đất liền.
Trong khi đó, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi cũng tiến hành rà soát, chuẩn bị sơ tán hơn 460.000 người dân. Theo ông Phạm Đức Luận, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các tỉnh dự kiến sơ tán dân là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Đến tối qua (13/14), các tỉnh đã sơ tán 910 hộ với hơn 3.200 người. Theo Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, lực lượng đã thông báo, hướng dẫn tổng số 59.752 phương tiện với 289.062 người tránh trú bão; hiện không còn phương tiện nào trong khu vực nguy hiểm.
Cũng trong sáng 14/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra công điện về ứng phó khẩn cấp bão Vamco. Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển; tiếp tục rà soát, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên biển, ven biển; kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào.
Đối với trên đất liền và các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, chính quyền địa phương và người dân tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cột tháp cao,... hạn chế thiệt hại do bão. Các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Bão số 13 sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung trong những ngày tới. Ảnh minh họa |
Nhận định về bão Vamco trong cuộc họp sáng 13/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói bão Vamco rất nguy hiểm vì bốn yếu tố là cường độ mạnh, đường đi khó đoán định, hoàn lưu gây mưa to và đổ bộ vào khu vực vừa hứng chịu hàng loạt cơn bão trong thời gian qua.
TS Dư Đức Tiến, Trưởng phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, cho biết bão Vamco tăng hai cấp khi vào gần bờ; sau đó, bão đi vào vùng biển lạnh, tương tác với không khí lạnh nên có khả năng bắt đầu suy giảm về cường độ trong 3-6h tới.
Dự báo, khi bão tiến gần hơn vào đất liền, các đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, các tàu thuyền ở ven bờ, trong các khu neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, có thể chịu ảnh hưởng gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Trên đất liền, từ trưa nay 14/11, nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12. Dự kiến từ 14-16/11, nam Nghệ An đến Quảng Nam lượng mưa từ 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm; ở Thanh Hóa phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi lượng mưa từ 50-150 mm/đợt.
Tác giả: Nguyệt Hà (T/h)
Nguồn tin: doisongplus.vn