Bên ngoài sân bay quốc tế Kuala Lumpur, trẻ em viết những dòng cầu mong điều may mắn đến với các hành khách trên chuyến bay MH370 mất tích. Ảnh: Reuters.
Theo Reuters, đội tìm kiếm hôm nay cho rằng chiếc MH370 đã lướt đi trên biển thay vì lập tức rơi xuống như giả thiết ban đầu, điều này đồng nghĩa việc tìm kiếm trong hơn hai năm qua là sai vị trí.
Chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines số hiệu MH370, chở 239 hành khách và phi hành đoàn, biến mất trên màn hình radar vào ngày 8/3/2014 khi trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Đội tìm kiếm do công ty Fugro của Hà Lan dẫn đầu đã tìm MH370 tại một khu vực rộng bằng diện tích Hy Lạp trên Ấn Độ Dương từ đó đến nay.
120 nghìn km vuông đã bị sục sạo, nhưng họ không tìm được gì. Ban đầu, ba nước Trung Quốc, Australia và Malaysia cho rằng chỉ cần ba tháng để tìm MH370, song những gì xảy ra sau đó chứng minh họ đã nhầm. Cuộc tìm kiếm được coi là tốn kém nhất lịch sử, huy động nhiều nhất các quốc gia, tàu thuyền, máy bay tham gia, tiêu tốn 137 triệu USD.
Ông Paul Kennedy, giám đốc dự án tìm kiếm của Furgo cho biết các thành viên đã tranh luận và đưa ra kết luận rằng MH370 đã lướt đi nơi khác, thay vì rơi xuống nơi họ chọn tìm kiếm dựa trên phân tích ảnh vệ tinh.
"Nếu máy bay có người lái, nó có thể lướt đi xa hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu. Chúng tôi tin rằng kết luận hợp lý là kịch bản khác đã xảy ra", Kenedy nói.
Tuyên bố của Kenedy cũng là lần đầu tiên giới chức nghiêng về giả thiết gây tranh cãi, cho rằng đã có người điều khiển máy bay trong những khoảnh khắc cuối cùng.
Đã có nhiều giả thiết về phút cuối khi máy bay gặp nạn. Người ta cho rằng có thể một, hai phi công hoặc cả hai đều không cầm lái MH370, hoặc máy bay đã đâm xuống biển mà không ai kiểm soát. Các nhà điều tra cũng tin rằng có người cố ý tắt bộ phát đáp của MH370, dùng để liên lạc với kiểm soát không lưu.
Hành trình tìm kiếm MH370. Đồ họa: Tiến Thành
Theo Kenedy, một phi công dày dạn kinh nghiệm có thể điều khiển chiếc Boeing 777 số hiệu MH370 lượn đi tới 193 km kể từ khi hết nhiên liệu. Trong trường hợp máy bay không có người điều khiển và cạn nhiên liệu, nó sẽ rơi xuống mà không lướt đi quá xa.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Mỹ, Pháp, Anh và Australia không ủng hộ giả thiết máy bay đã lượn đi khá xa thay vì đâm thẳng xuống biển.
Ba quốc gia tham gia tìm kiếm nhiều nhất là Trung Quốc, Australia, Malaysia đã thống nhất sẽ không tiếp tục chiến dịch tìm MH370, trừ khi có những bằng chứng xác đáng. Gia đình các nạn nhân kêu gọi tiếp tục tìm máy bay, song bị từ chối do chi phí quá đắt đỏ.
Tác giả bài viết: Văn Việt